Năm 2020, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cả nước dưới 4%
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Báo Nhân dân phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến "Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống".
Tại hội nghị, có một thống kê đáng chú ý: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước hiện còn khoảng 6%, tỷ lệ tái nghèo được kiềm chế nhưng giảm nghèo chưa đồng đều. Hiện nhiều xã nghèo vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, thậm chí có xã có 60 - 70% hộ nghèo.
Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017). Ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6%. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,1% (năm 2017). Đặc biệt, có 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo.
Các vị đại biểu tham dự hội nghị sáng 21/12. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Hiện tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 52% tổng số hộ nghèo trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc cho biết: Trong thời gian tới, công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách dân tộc cần phải có những đổi mới, những quyết sách để chính sách đó đến với từng tiểu vùng khác nhau.
Theo ông Bảy, hiện chính sách của chương trình 135 là chính sách dân tộc lớn của Đảng, Nhà nước vẫn chạy theo diện chung là đầu tư như nhau.
"Xã đặc biệt khó khăn của vùng Tây Nam bộ cũng giống như xã khó khăn của Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang hay Mường Tè, Lai Châu hoặc giống xã đặc biệt khó khăn của Tây Nguyên. Tôi mong những khó khăn này sẽ được khắc phục trong giai đoạn tới" - Vụ trưởng Võ Văn Bảy nhấn mạnh thêm.
Tạo sinh kế cho người dân góp phần thúc đẩy hiệu quả xoá đói giảm nghèo. Ảnh minh hoạ: Internet.
Hiện, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã đi được nửa chặng đường. Trong hai năm vừa qua, thiên tai liên tục xảy ra tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn nhưng tỷ lệ tái nghèo không lớn, song tỷ lệ phát sinh nghèo lại tương đối lớn, gần 23% trên tổng số hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, hộ phát sinh nghèo lại nằm nhiều ở những khu vực đông dân.
Ông Ngô Trường Thi, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, cần nhận diện sự chủ quan trong công tác quản lý hộ nghèo của địa phương. Ông Thi khuyến nghị chuyển hướng sang tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế, hướng dẫn thực hiện và giao phân cấp mạnh cho địa phương và công đồng tổ chức thực hiện thay vì áp đặt từ trên xuống
"Tất nhiên kết quả đạt được chưa nhiều nhưng đây là một bước để chúng ta thay đổi phương thức hỗ trợ. Có thể chúng ta chưa hài lòng về việc thiết kế chính sách nhưng chính sách phải lâu dài, không thể một ngày , hai ngày thay đổi được. Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo chúng ta phải hạn chế những chính sách hỗ trợ “cho không”tạo sự ỷ lại", ông Ngô Trường Thi nói.
Hoàng Nam