Mỹ phẩm Babor: "Thổi phồng" tác dụng, quảng cáo như thuốc chữa bệnh
Các dòng mỹ phẩm của Babor đều được quảng cáo là đặc trị chữa các bệnh lý về da. |
Theo đó, trên website Babor.com.vn, giới thiệu: “Mỹ phẩm Doctor Babor là dòng sản phẩm chăm sóc da chuyên nghiệp, đại diện cho dòng mỹ phẩm được sản xuất tại Đức. Với công thức tác động nhanh dựa trên những thành phần hoạt tính chọn lọc, Doctor Babor đã tạo dựng nên những tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực dược mỹ phẩm. Trở lại năm 1956, khi Tiến sĩ Michael Babor phát triển công thức Babor đầu tiên, những thuật ngữ như “dược mỹ phẩm” hay thương hiệu “Doctor” chưa từng được đề cập tới. Nhưng ông biết rằng những thành phần hoạt tính được cô đặc một cách chính xác sẽ có tác dụng chăm sóc đặc biệt cho làn da. Sau đó ông tiếp tục phát triển những sản phẩm chăm sóc da đầu tiên, phục vụ cho nhu cầu cá nhân, hay nói cách khác là “chuyên gia chăm sóc tại nhà”.
Trên website này, Công ty TNHH Mỹ phẩm Phạm Duy (Tên doanh nghiệp viết tắt P&D COS CO.,LTD) giới thiệu 11 dòng sản phẩm với 154 sản phẩm, trong đó Doctor Babor là dòng sản phẩm chính. Tất cả những sản phẩm này được quảng cáo là nhập khẩu tại Đức.
Nhãn Tiếng Việt của mỹ phẩm Babor Doctor. |
Với những lời giới thiệu này, người tiêu dùng hiểu rằng Babor Doctor là các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da chuyên sâu. Thế nhưng, trên website Babor.com.vn và ngay trên nhãn mác Tiếng Việt được dán trên sản phẩm, Babor Doctor được đặt tên sản phẩm sử dụng các từ như đặc trị, tiêu mỡ, giảm mỡ cơ thể…
Cụ thể, sản phẩm như Skin Brightening Cream được đặt tên Tiếng Việt là Kem đặc trị trắng da đêm dành cho mọi loại da. Sản phẩm Blemish Reducing Cream được đặt tên Tiếng Việt là Kem đặc trị mụn dành cho mọi làn da dầu, mụn và độc tố, quảng cáo có tác dụng “đặc trị” làm giảm mụn, thanh khiết làn da, chống các vết thâm để lại cho da sau mụn.
Một sản phẩm Doctor Babor |
Ultimate ECM Repair Serum được đặt tên Tiếng Việt là Tinh chất đặc trị xóa nhăn, làm săn chắc và sáng hồng làn da. Sản phẩm Hyaluron Infusion được đặt tên là Tinh chất dưỡng ẩm đặc trị. Sản phẩm 3D Cellulite Lotion được đặt tên là Kem tiêu mỡ 3D. Trong phần công dụng của sản phẩm, công ty TNHH Mỹ phẩm Phạm Duy giới thiệu rằng: “Đây là loại kem nhẹ dạng sữa theo công nghệ mới đốt cháy mỡ thừa tế bào đồng thời sắp xếp làm săn chắc, tái tạo làn da căng mượt , ngăn cản quá trình tạo mỡ lại với hiệu quả lâu dài”….
Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tac dụng trị bệnh |
Rất nhiều sản phẩm khác cũng được Công ty TNHH Mỹ phẩm Phạm Duy đặt tên Tiếng Việt với những từ ngữ gây hiểu lầm như đây là những sản phẩm “chữa bệnh về da”.
PV đã gọi đến số điện thoại liên hệ của công ty TNHH Mỹ phẩm Phạm Duy. Một người đàn ông tên Dương – Phụ trách phần Sale của công ty cho biết: “Đối với những sản phẩm dòng Doctor Babor, đây là dòng mỹ phẩm “chuyên được sử dụng cho các bệnh lý về da”. Ví dụ, có nhiều sản phẩm dành cho nám, mục tiêu của các sản phẩm này là chuyên sâu hơn về nám so với các sản phẩm khác. Có thể khi viết content (ngôn ngữ) về các sản phẩm này, các bạn nhân viên chỉ có vốn từ ít nên sẽ dùng những từ như đặc trị. Còn đặc trị hay không đặc trị như quảng cáo thì khi tư vấn bán hàng, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn kĩ hơn.
Khi PV trao đổi về việc sử dụng những từ ngữ như điều trị, đặc trị khi nói về tác dụng của mỹ phẩm là trái quy định pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh thì người này cho biết: “Hình như trên website quảng cáo Babor.com.vn không sử dụng những từ này, nếu có những từ ngữ như đặc trị, tiêu mỡ…mình sẽ kiểm tra lại”.
Ngoài ra, trên hệ thống tra cứu của Cục Quản lý Dược, Công ty TNHH Mỹ phẩm Phạm Duy chỉ có 33 mặt hàng được cấp công bố sản phẩm. Tuy nhiên, trên website Babor.com.vn vào thời điểm PV tìm hiểu, khảo sát lại đang có tới 154 sản phẩm được quảng cáo bán ra thị trường. Liệu những sản phẩm này đã được cấp phép chưa và lý do vì sao lại không có trong hệ thống tra cứu của Cục Quản lý dược?
Theo luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng luật An Phước, Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố.... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.