Mỹ không chấp nhận việc quân sự hóa Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm nay, diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á, ông Mattis khẳng định Mỹ vẫn tuân thủ các cam kết với mọi đối tác trên thế giới. "Dù có hay không, chúng tôi (Mỹ) vẫn là một phần của thế giới. Thế giới này sẽ thật khốc liệt nếu chúng ta rút về biên giới của mình" - ông nhấn mạnh.
Theo ông Mattis, Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc triển khai vũ khí cũng như các thiết bị quân sự khác lên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tự ý xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông tuyên bố: "Chúng tôi (Mỹ) phản đối động thái quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải quá mức".
Đồng thời, Bộ trưởng Mattis cũng nhắc lại cảnh báo của Triều Tiên rằng nước này sẽ phát triển tên lửa hạt nhân có thể tấn công lãnh thổ Mỹ, sau đó tuyên bố: việc đảo chiều hoặc làm chậm lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đang là ưu tiên về an ninh đối với Washington.
"Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyến khích cam kết của Trung Quốc trong việc phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" - ông Mattis phát biểu trước báo giới.
Ông Mattis cùng người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc tự ý tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia khác trong khu vực: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Mỹ đã nhiều lần chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các đảo này.
Khi được hỏi về phát biểu của quan chức Mỹ, người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, ông Gen He Lei, nói: "Tôi tin rằng nếu Trung Quốc và Mỹ đảm bảo không mâu thuẫn, cũng như duy trì sự tôn trọng, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, điều này sẽ đóng góp rất lớn cho an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả trên thế giới".
Những tuyên bố của ông Mattis tại Đối thoại Shangri-La cho thấy cách Tổng thống Trump xử lý đồng thời mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên và đối phó với hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Một số đồng minh của Mỹ lo ngại rằng việc ông Trump hối thúc Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên có thể dẫn tới khả năng Washington bỏ qua những động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngoài ra, sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều quốc gia lo ngại rằng vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới sẽ bị suy yếu.
Hồng Anh