Mỹ áp dụng chiến thuật mới để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Sĩ quan Mỹ trên máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon chỉ cho phóng viên CNN xem hình ảnh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở Biển Đông, trong chuyến bay tuần tra ngày 20.5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters
Trong bài viết đăng ngày 15.6, The Epoch Times (trụ sở tại New York) cho biết trước đây mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực đã bày tỏ lo ngại và yêu cầu Mỹ can thiệp ngăn chặn hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng Washington đã không có động thái tích cực nào.
Mãi đến ngày 20.5.2015, Lầu Năm Góc đã có hành động khi điều một máy bay tuần tra P-8A Poseidon chở theo một nhóm phóng viên của đài CNN (Mỹ) bay ra gần những công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc. Hành động này khiến lực lượng Hải quân Trung Quốc đồn trú tại đó rất tức giận và phóng viên CNN đã ghi lại đoạn nạt nộ: “You go!” (tạm dịch: Hãy rời khỏi đây) của liên lạc viên Trung Quốc với máy bay.
The Epoch Times trích dẫn một báo cáo từ Quốc hội Mỹ cho thấy giới lãnh đạo Mỹ đã rất hài lòng với chiến thuật mới này, khi góp phần “công khai vạch trần sai trái” của Trung Quốc.
“Qua việc công khai thông tin về hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Washington đã mang đến cho các quốc gia Đông Nam Á một cơ hội có một không hai để cùng nhau nắm lấy vị thế là phe chính nghĩa”, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Thay vì chỉ tập trung chỉ trích các hành động của Trung Quốc, vốn chỉ mở đường cho Bắc Kinh phủ nhận và thậm chí cáo buộc ngược lại rằng Mỹ đang có chính sách “bài Trung”, chiến thuật mới của Washington đã khiến quân đội Trung Quốc tự bộc lộ thái độ hung hăng, hiếu chiến của mình, The Epoch Times nhận định.
Theo The Epoch Times, chiến thuật mới này được tiến hành theo định hướng từ một đề xuất của Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ (USSOC). Trong báo cáo ngày 26.9.2014, USSOC cảnh báo Trung Quốc, Nga và Iran đang sử dụng chiến tranh chính trị “để tăng cường theo đuổi các mục tiêu của mình”. Chiến tranh chính trị là sự kết hợp nhiều biện pháp, trong đó các hoạt động tuyên truyền với mục đích khiến công chúng hiểu lầm, đồng thời cản trở sự phát triển của quốc gia đối thủ, theo The Epoch Times.
Máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã làm ngơ trước các lần cảnh báo xua đuổi hung hăng của hải quân Trung Quốc ngày 20.5.2015 khi bay tuần gần các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và vụ việc này được phóng viên CNN tháp tùng trên chuyến bay nhanh chóng đưa tin ra khắp thế giới - Ảnh: CSIS/Reuters
Báo cáo của USSOC nhận định việc các quốc gia đối thủ sử dụng chiến tranh chính trị đang là một thách thức lớn đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington đã không còn dùng chiến thuật này kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Báo cáo của USSOC cũng đề nghị lãnh đạo Mỹ nên bắt đầu có biện pháp chống trả lại chiến thuật này, đồng thời đề xuất Washington nên vạch ra chiến thuật “tác động đến hoạt động đấu tranh của khu vực (nhằm phản đối Trung Quốc) theo hướng tích cực”, bao gồm sử dụng các biện pháp cấm vận, hỗ trợ chính quyền các nước đồng minh, và triển khai “các chiến dịch thông tin tuyên truyền để vạch trần các hoạt động của đối phương”.
The Epoch Times cho biết Lầu Năm Góc đã dùng đến đề xuất cuối trong báo cáo của USSOC để đối phó với Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã dùng một kênh thông tin mở, cụ thể trong trường hợp này là hãng tin CNN, để "vạch mặt" Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo đánh giá của Quốc hội Mỹ, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này trong thời gian tới.
“Mỹ là quốc gia duy nhất trong khu vực có phương tiện kỹ thuật và quân sự đủ mạnh để có thể liên tục theo dõi và ghi nhận hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc”, báo cáo đánh giá của Quốc hội Mỹ bình luận.
Và thông qua việc công bố công khai các hoạt động phi pháp này, “chính phủ Mỹ cung cấp cho các chính trị gia Đông Nam Á và các chuyên gia phân tích quốc phòng những thông tin mà tự bản thân họ không đủ khả năng tìm ra”, theo đánh giá của Quốc hội Mỹ.
Theo Hoàng Uy/Thanh niên