MWG tăng trưởng doanh thu 15% trong tháng 4, lãnh đạo hé lộ lợi nhuận quý II và lý do giải thể 2 công ty con
Doanh thu của MWG tăng trưởng 15% trong tháng 4 (Ảnh minh họa) |
Tại buổi gặp mặt với các nhà đầu tư vừa diễn ra, cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4/2024, đại diện Công ty CP Thế giới Di động (MWG) cho biết doanh thu sơ bộ trong tháng 4 đạt 11.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ và tăng 17% so với tháng trước đó.
Trong đó, doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt khoảng 7.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ đóng góp tích cực từ các sản phẩm điện máy...
Doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh cũng vượt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ; Doanh thu bình quân xấp xỉ 1,9 tỷ đồng/cửa hàng.
Theo đại diện MWG, trong tháng 4, doanh thu các chuỗi đều ghi nhận tăng trưởng khả quan so với tháng trước một phần do nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng trong các ngày nghỉ lễ.
Kết quả quý II sẽ có sự khác biệt do hiệu ứng "nước chảy chỗ trũng"
Thông tin về tình hình mảng mảng ICT và CE (điện thoại di động và điện máy), ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT, người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di động và Điện Máy Xanh cho biết, năm nay mùa nóng đến sớm và dự kiến kéo dài hơn mọi năm, nhu cầu sản phẩm giải nhiệt như máy lạnh điều hòa tủ lạnh cao, có nhiều cơ hội để tăng trưởng.
Do đó, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hàng hóa, nguồn lực, chương trình khuyến mại và đặc biệt là hơn thua ở khâu giao lắp sản phẩm máy lạnh. Điều này sẽ tạo ra những khác biệt so với thị trường. Từ đó tạo ra kết quả khác biệt cho năm nay.
"Quý I và các quý tiếp theo chúng tôi đã chuẩn bị tốt nguồn lực để tận dụng tối đa cơ hội bán hàng tạo ra hiệu ứng nước chảy chỗ trũng. Chúng tôi vừa trải qua quá trình tái cấu trúc toàn diện quý IV năm ngoái, giúp MWG giảm nhiều chi phí vận hành, gắn liền với hiệu quả kinh doanh. Trong thời gian tới, việc tái cấu trúc vẫn còn nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Do đó, trong thời gian tới MWG có thể cải thiện đáng kể về hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận và tự tin có thể đạt được kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua", ông Hiểu Em chia sẻ.
Ngoài ra, ông cho rằng, sự cải thiện của hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian tới cũng sẽ hỗ trợ cho doanh thu của MWG. Hiện tỷ trọng vay tiêu dùng trên tổng doanh thu của công ty vào khoảng 30%.
"Tỷ lệ vay tiêu dùng trả góp trong thời gian tới sẽ tốt hơn, do nhu cầu của khách hàng tại thời điểm khó khăn như hiện nay", ông Hiểu Em đánh giá và cho biết thêm về phía nội bộ MWG, công ty đã làm việc với các công ty tài chính để cải thiện hạn mức cho vay, tỷ lệ duyệt hay thậm chí nhân viên của MWG cũng đang là người thực hiện thay cho các nhân viên của công ty tài chính để làm các hồ sơ cho vay trả góp.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, Tổng giám đốc Phạm Văn Trọng cho biết, ban lãnh đạo đang có những thay đổi lớn dành cho Bách Hóa Xanh online để hướng đến việc phục vụ khách hàng hiệu quả hơn và có lợi trong thời gian tới. Dự kiến việc chuyển đổi này sẽ hoàn tất trong vài tháng tới.
Còn về những động lực cải thiện lợi nhuận của Bách Hóa Xanh trong năm 2024, ông Trọng thông tin, công ty vẫn tập trung chiến lược từ đầu năm đó là làm sao để tiếp tục cải thiện về doanh thu và tập trung tối ưu về chi phí, trong đó có khoản chi phí rất lớn đó là chi phí vận hành của cửa hàng và chi phí logistics để đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm.
Với chuỗi Erablue ở Indonesia, ông Hiểu Em cho hay mức lỗ 20 tỷ trong quý I/2024 là nằm trong kế hoạch liên doanh giữa MWG và Erajaya. Dự kiến Erablue sẽ đạt được điểm hoàn vốn và có lãi từ quý IV/2024.
Nói thêm về chuỗi Erablue, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhìn nhận Erablue ở Indonesia đang vượt trên mong đợi của cá nhân ông. Thị trường đó có những khó khăn riêng nhưng chuỗi này đã làm rất tốt. Do đó, ông mong đợi muộn nhất là quý IV năm nay Erablue sẽ đạt được điểm hoà vốn.
Đánh giá chung về kết quả kinh doanh của các chuỗi, Chủ tịch MWG cho biết, quý I tăng trưởng đột biến là do yếu tố mùa vụ, quý II cũng tốt nhưng phần lớn không bằng quý I, quý III thì là vùng trũng. "Điều này là do tính chất mùa vụ, nhưng Bách Hóa Xanh đang chứng minh không có khái niệm mùa vụ, phát triển liên tục, tăng trưởng bất chấp thời tiết", ông Tài nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo MWG cũng lưu ý nếu lấy quý I làm cơ sở thì mức tăng trưởng sẽ không được như thế. Song công ty vẫn luôn nỗ lực từng quý vì mọi thứ luôn biến động và thay đổi rất nhanh.
Vì sao giải thể 4KFarm và Toàn Tín?
Cũng tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư quý I, lãnh đạo MWG đã lần đầu lên tiếng giải thích về quyết định giải thể Công ty CP 4KFarm và Công ty CP Logistics Toàn Tín gần đây.
Nói về quyết định giải thể dự án từng là "ước mơ" của mình, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài thừa nhận 4KFarm đang hoạt động kém hiệu quả, bản chất là sản xuất ra rau an toàn nhưng chi phí cao hơn so với các loại rau bình thường, sự kém hiệu quả nằm ở việc người tiêu dùng chưa sẵn sàng đón nhận sự chênh lệch giá này.
"Chúng ta cần thêm một thời gian nữa khi mà người tiêu dùng sẵn sàng quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn và chất lượng thì mới có thể có đất để dụng võ", ông Tài nói.
Theo lãnh đạo MWG, việc đóng lại dự án trồng rau sạch này sẽ không có tác động nào đáng kể đến lợi nhuận của Bách Hóa Xanh.
Còn với Logistics Toàn Tín, theo ông Tài công ty được thành lập với mục tiêu cung cấp dịch vụ logistics ra bên ngoài, nhưng sau một thời gian đánh giá thấy lợi nhuận quá nhỏ so với quy mô tập đoàn. Do đó, mới quyết định giải thể.
"Quyết định đã làm là làm lớn còn không làm thì gói lại, để Toàn Tín chuyên tâm phục vụ logistics cho Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh thôi nên không cần một tư cách pháp nhân. Việc đóng các dịch vụ bên ngoài và chuyên tâm phục vụ nội bộ là để mọi thứ hiệu quả hơn", ông Tài khẳng định.
Bổ sung thêm thông tin về việc đã hạch toán các chi phí liên quan đến hai công ty này trong quý I hay chưa, Giám đốc tài chính Nguyễn Đăng Linh cho biết, thực tế những hành động thu hẹp các mảng kinh doanh này đã diễn ra từ trong năm 2023, quyết toán thuế và phân bổ chi phí trong năm 2023 nên không còn ảnh hưởng trong năm 2024.
Lãnh đạo MWG chia sẻ, việc giải thể hai công ty con này nằm trong chiến lược tái cấu trúc "giảm lượng, tăng chất" mà tập đoàn này hướng đến. "Giảm lượng, tăng chất sẽ tiếp tục thông qua quá trình thu nhỏ và cắt bỏ các bộ phận chưa hiệu quả, đầu tư thời gian và tiền bạc vào những thứ quan trọng để tạo tăng trưởng doanh thu cho tập đoàn", ông Tài nói và nêu dẫn chứng là thời gian qua số lượng cửa hàng giảm nhưng doanh thu vẫn tăng.
Cũng theo Chủ tịch MWG, thời gian qua MWG đã tập trung rất nhiều vào trong việc cải tiến logistics và kết quả ban đầu là chi phí này bắt đầu thu hẹp và mọi thứ đã hiệu quả hơn. Hiện chi phí logistics cho Bách Hóa Xanh đã được cải thiện và góp phần giảm chi phí chung, chi phí logistics của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cũng cải thiện rất lớn trong quá trình tái cấu trúc.