Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và của tại nhiều huyện ở Thanh Hóa
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 28/8 đến ngày 31/8/2018 ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến từ 70-200mm.
Một số nơi có lượng mưa lớn như: Huyện Mường Lát 356,0mm; Cổ Lũng (huyện Bá Thước): 246,0 mm; Thạch Quảng (huyện Thạch Thành): 244,3,0mm. Tính đến cuối giờ chiều 31/8, lũ thượng nguồn sông Mã xuống chậm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, hạ lưu sông Mã và các sông khác đang dao động lên. Dự báo mực nước lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 1 - báo động 3; sông Mã tại Trạm thủy văn Lý Nhân và sông Bưởi lên trên mức báo động 3.
Mưa lũ cộng với thủy điện xả lũ khiến nhiều nhà dân ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) ngập sâu trong nước.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 31/8/2018 về việc tập trung ứng phó với mưa lũ. Đồng thời, trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát các địa bàn được phân công để chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai.
Một cây cầu treo tại xã Phú Xuân bị xô đổ khiến nhiều bản làng bị cô lập.
Các huyện miền, núi đã chủ động sơ tán 4.604 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn (huyện Quan Hóa 386 hộ, huyện Quan Sơn 18 hộ, huyện Mường Lát 30 hộ, huyện Bá Thước 680 hộ, huyện Cẩm Thủy 3.490 hộ); các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 4.249 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn; trong đó huyện Yên Định 2.062 hộ, huyện Vĩnh Lộc 1.151 hộ, huyện Thạch Thành 47 hộ, huyện Vĩnh Lộc 128 hộ, TP.Thanh Hóa 827 hộ...
Theo báo cáo nhanh từ các cơ sở, tính đến 16 giờ ngày 31/8/2018 mưa lũ đã làm 123 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 49 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 4.584 ngôi nhà bị ngập, 11 điểm trường bị ngập, 6 điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 2 nhà bán trú bị vùi lấp hoàn toàn. Về nông nghiệp: có 2,5 ha diện tích lúa bị cuốn trôi, 963 ha diện tích lúa bị ngập, 193 ha diện tích hoa màu bị ngập, hư hỏng, 1.577 ha diện tích cây trồng hàng năm (mía, ngô, sắn) bị ngập, 35 ha cây ăn quả bị đổ gãy...
Nhiều ngôi nhà chìm sâu trong nước.
Thiệt hại về chăn nuôi: Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 1.300 con, Gia súc bị chết: 11 con. Thiệt hại về giao thông: Cầu treo bị đổ, sập: 3 cái, đường tràn bị cuốn trôi: 1 cái, đường vận hành thủy điện Trung Sơn bị sạt lở 238m tại Bản Co Me, xã Trung Sơn với khối lượng ước khoảng 1.700 m3 đất. Thiệt hại về thủy sản: diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn: 61 ha, diện tích tôm quảng canh bị tràn: 25ha.
Công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai đang được các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa nỗ lực ở mức cao nhất. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
UBND huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý huy động lực lượng, phương tiện tô chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Cẩm Thủy phối hợp với các lực lượng huyện đội, công an, dân quân tự vệ, Đội Cảnh sát PCCC số 6 Vĩnh Lộc tổ chức tìm kiếm người bị mất tích tại xã Cẩm Bình.
Thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước bị cô lập, dân phải qua lại di chuyển bằng thuyền, bè.
Sở Giao thông Vận tải và các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông; đồng thời chỉ đạo túc trực gác bão lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực ngập lụt, sạt lở.
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân tổ chức tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi.
Hiện nay, gần 100 công sở, trường học tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc vẫn ngập trong nước, cơ sở vật chất thiệt hại nghiêm trọng, nhiều khả năng phải tổ chức khai giảng muộn. Mọi nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ đang được các cấp chính quyền và người dân Thanh Hóa tích cực triển khai, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống thông tin liên lạc đến nay vẫn bị gián đoạn, giao thông bị chia cắt.
PVMT (t/h)