Mở rộng chỉ tiêu tổng điều tra kinh tế năm 2017
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế (trừ các cơ sở cá thể hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản đã thu thập trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016), cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Tổng điều tra kinh tế 2017 từ tháng 3
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 bắt đầu từ tháng 3/2017 và thực hiện đánh giá theo 6 nhóm thông tin: Thông tin chung về cơ sở, Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động, Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, Thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp, Thông tin chuyên đề về doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, so với các cuộc tổng điều tra trước đây, số lượng các cơ sở kinh tế trên cả nước đã thay đổi đáng kể, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp giải thể, nhiều đơn vị mới được hình thành, được chia tách. Bên cạnh đó, các ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều, vì vậy cuộc tổng điều tra lần này sẽ mở rộng thêm một số chỉ tiêu nhằm đánh giá sâu hơn kết quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân và ở mỗi vùng, địa phương.
Tổng điều tra lần này cũng xem xét tác động chính sách của nhà nước đối với các khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động gia công lắp ráp hàng hóa với nước ngoài.
Bên cạnh đó, Tổng điều tra năm 2017 sẽ tiến hành khâu rà soát danh sách doanh nghiệp để thống nhất con số giữa các ngành kế hoạch đầu tư, thuế và thống kê liên quan đến số lượng doanh nghiệp theo các tình trạng hoạt động thực tế.
Kết quả của cuộc tổng điều tra là cơ sở để đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tính toán những chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 5 năm 2016 -2020, tính toán Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn quốc và tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Minh Duy