Mẹ Melba
Bà Melba Hernandez (trái) gặp gỡ với Bác Hồ tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu báo Granma) |
Một chiến sỹ cách mạng kiên trung
Melba Hernandez sinh tại tỉnh Las Villas, nay là Villa Clara, miền Trung Cuba, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống thực dân Tây Ban Nha từ thế kỷ 19. Bà tốt nghiệp Khoa Luật tại Đại học La Habana năm 22 tuổi, sau đó là cử nhân Khoa học xã hội. Bà đã sớm tham gia phong trào do lãnh tụ thanh niên Fidel Castro lãnh đạo, chống chính quyền độc tài Fulgencio Batista. Bà và Haydee Santamaria là hai phụ nữ đã tham gia cuộc tấn công các trại lính Moncada và Carlos Manuel de Cespedes ngày 26/7/1953 cùng một nhóm chiến sỹ cách mạng do Fidel Castro chỉ huy. Cuộc tấn công không thành, những người sống sót, trong đó có Fidel và Melba, bị bắt, bị tra tấn và kết án tù.
Được trả tự do năm 1954, Melba tiếp tục bí mật tham gia phong trào cách mạng. Bà có công lớn trong việc tập hợp, in ấn và phát tán những bài viết do Fidel gửi ra từ nhà tù. Đây là những lập luận mà Fidel tự biện hộ trong các phiên tòa xét xử ông mà sau này là tác phẩm nổi tiếng có tên "Lịch sử sẽ xóa án cho tôi". Cũng trong năm 1955, sau khi ra tù, Fidel thành lập “Phong trào 26 tháng 7” và bà Melba tham gia Ban lãnh đạo Toàn quốc bí mật đầu tiên của phong trào.
Cùng một số tiền ít ỏi quyên góp được, Melba đã sang Mexico bắt liên lạc với nhóm chiến sỹ Moncada do Fidel lãnh đạo đang tị nạn tại nước này. Bà đã tham gia tích cực việc chuẩn bị cho chuyến vượt biển của tầu Granma, với 82 chiến sỹ do Fidel chỉ huy, đổ bộ vào Cuba ngày 2/12/1956, bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang. Melba cũng về nước và tham gia một trong những cánh quân khởi nghĩa ở núi Sierra Maestra, miền Đông Cuba, cho đến khi cách mạng thành công ngày 1/1/1959.
Bà Melba Hernandez phát biểu trong một cuộc mít tinh đoàn kết của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. (Ảnh tư liệu báo Granma) |
Bà Melba Hernandez đã tham gia nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam, thành lập năm 1963 (sau này là Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam, Lào và Campuchia – tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam ngày nay); ủy viên Đoàn chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới; Tổng Thư kí Tổ chức Đoàn kết với các Dân tộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh (OSPAAAL); Đại sứ Cuba tại CH XHCN Việt Nam và Campuchia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á và châu Đại dương… Bà là đại biểu Quốc hội và ủy viên TƯ ĐCS Cuba cho đến khi qua đời ở tuổi 93.
Người mẹ Cuba của chúng tôi
Sinh thời, bà Melba đã tham gia tích cực vào các hoạt động và phong trào ủng hộ Việt Nam ở Cuba và trên thế giới, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Bà luôn ngưỡng mộ lịch sử anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta, coi Việt Nam là một tấm gương đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và độc lập trên thế giới.
Đối với chúng tôi, những người từng gặp và quen biết bà, Melba Hernandez là hiện thân của tình cảm thủy chung, sâu sắc, chí nghĩa, chí tình của người Cuba đối với đất nước và nhân dân Việt nam. Những năm công tác ở Cuba, được theo chân các đoàn đại biểu các cấp tới thăm bà nhiều lần, đã để lại cho tôi những ấn tượng khó quên về một nữ Anh hùng của Cách mạng Cuba, cao thượng, dễ mến và rất đỗi giản dị. Thân tình như một người mẹ, Melba đón các đoàn tại nhà riêng, như đón những người con đi xa trở về; không xã giao, nghi lễ.
Bà Melba và những kỷ vật về Việt Nam. (Ảnh: Lê Duy Truyền) |
Còn nhớ, những dịp sinh nhật của Melba, các cán bộ và đại diện sinh viên Việt Nam tại Cuba thường đến chúc mừng mẹ. Một lần, chúng tôi thân tình hỏi mẹ Melba xem bà có muốn sang thăm Việt Nam không. Câu hỏi khiến vẻ mặt mẹ đượm buồn. Rồi bà khẩn khoản: “Các con nói với Fidel cho mẹ với, để Fidel cho mẹ sang thăm Việt Nam!”.
Thương mẹ quá, một mong muốn cuối đời mà không thực hiện được! Chúng tôi rưng rung, ân hận vì đã khơi một nỗi buồn, nỗi trăn trở ở mẹ! Lẽ nào Fidel lại không muốn cho mẹ trở lại thăm Việt Nam? Nhưng đúng là ở tuổi 80 rồi, mẹ không còn đủ sức vượt nửa vòng Trái đất để trở lại với nơi mẹ rất đỗi yêu thương, nơi gắn bó mẹ với biết bao kỷ niệm về đất nước, con người, về những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bà Melba trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Lê Duy Truyền. |
Những ngày này, khi chúng ta kỷ niệm 68 năm ngày Tấn công Trại lính Moncada và 100 năm ngày sinh của mẹ Melba, tôi lại nhớ lần đến thăm Melba tại nhà riêng của mẹ ở La Habana hồi tháng 8/2005, trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Cuba. Mẹ chậm rãi dẫn chúng tôi thăm nhà. Mẹ dừng lại hồi lâu trong phòng làm việc, nơi trưng bày nhiều hiện vật và những bức tranh, những tấm ảnh về Việt Nam. Rồi mẹ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về những tấm ảnh treo trên tường, bồi hồi như đang ôn lại những kỷ niệm thời trẻ của bà.
Cuộc phỏng vấn trở thành buổi trò truyện thân tình, ấm áp như những người cùng gia đình. Đó là cuộc phỏng vấn cuối cùng của tôi với Mẹ Melba.