Những giải pháp mới tăng cường quan hệ Việt Nam – Hà Lan
3 vấn đề trọng tâm
Để phát triển hợp tác Việt Nam – Hà Lan trong thời gian tới, hai nước cần:
Thứ nhất: nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng, dự án mang tính trọng điểm, là mô hình hợp tác thành công trong chuyển đổi xanh. Quá trình này cần sự chung tay của các doanh nghiệp, là động lực và nguồn lực quan trọng trong thực hiện các sáng kiến xanh. Chính phủ hai bên giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cung cấp nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và cùng nhau hợp tác để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Thứ hai: hai bên tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hình thành chuỗi giá trị hydrogen xanh ở Việt Nam. Hà Lan xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…
Thứ ba: doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam tăng cường hợp tác, đặc biệt tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xanh, bền vững mà Việt Nam đang ưu tiên như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Hà Lan cũng cần sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA nhằm đem lại những lợi ích và cơ hội hợp tác rộng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, giúp các doanh nghiệp Hà Lan tiếp cận thị trường ASEAN và các nước mà Việt Nam có FTA.
Thứ tưởng Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo. |
Nâng cao chất lượng FDI
Tính đến tháng 10/2023, Hà Lan xếp thứ 8 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số đăng kí 14,3 tỷ USD với 432 dự án còn hiệu lực. Việt Nam cũng có 9 dự án đầu tư vào Hà Lan với tổng vốn đăng kí là 69,7 triệu USD vào các lĩnh vực: nhập khẩu phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện, cung cấp dịch vụ liên quan đến phin xe điện, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xuất nhập khẩu nông sản thuỷ sản….
Trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng FDI. Cụ thể: không xem xét mở rộng, gia hạn với dự án lạc hậu về công nghệ; thể chế chính sách ưu đãi vượt trội với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quốc gia; hình thành chuỗi sản xuất có cơ sở R&D tại Việt Nam; hoàn thiện thể chế chính sách cho các khu kinh tế; xây dựng ưu đãi theo tiêu chí mới...
TS Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở ngoại Hải Phòng:
Thúc đẩy giao lưu địa phương
Hải Phòng hiện có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Lan với tổng vốn đầu tư đạt gần 283 triệu USD, đứng thứ 10 về số vốn FDI và đứng thứ 9 về số dự án FDI tại Hải Phòng.
Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục mong muốn và thúc đẩy hợp tác với Hà Lan. Cụ thể, tăng cường hợp tác với các cơ quan đại diện của Hà Lan, tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, chuyển giao kinh nghiệm quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Trên cơ sở các kết quả hợp tác đã đạt được của Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Y dược Hải Phòng với các trường đại học của Hà Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm thêm các đối tác Hà Lan hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi giáo viên, sinh viên với Trường Đại học Hải Phòng. Ngoài ra, sẽ thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân của các địa phương Hà Lan với thành phố Hải Phòng.
Ông Joris van Tienen, Tổng giám đốc công ty Damen Song Cam Shipyard:
Cần cải thiện môi trường đầu tư
Ông Joris van Tienen, Tổng giám đốc công ty Damen Song Cam Shipyard. |
20 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu dự án chung đầu tiên với công ty đóng tàu Sông Cấm và đóng 6 tàu cứu hộ phục vụ Cảnh sát biển Việt Nam. Kể từ đó, chúng tôi đóng hơn 500 chiếc tàu tại Việt Nam và đưa chúng đi vòng quanh thế giới.
Chúng tôi có tham vọng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển việc đóng tàu bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cần hỗ trợ tạo điều kiện và cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là đơn giản hoá quy định nhập cư và cấp giấy phép làm việc cho người nước ngoài, quy trình kế toán, thuế và hải quan cũng như tăng cường sự minh bạch.
Bà Đinh Thị Minh Huyền, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Hà Lan:
Tăng cường giao lưu nhân dân
Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hà Lan phối hợp với Đại sứ quán và doanh nghiệp Hà Lan tổ chức giao hữu bóng đá Việt Nam- Hà Lan vào tháng 2/2023. |
Quan hệ giao lưu giữa người dân Việt Nam-Hà Lan đã bắt đầu từ lâu trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, các tổ chức phi chính phủ Hà Lan các đã kêu gọi người dân quyên góp thuốc men, vật dụng y tế, thực phẩm… giúp người dân Việt Nam ở những vùng chiến sự khốc liệt và đến nay đã 55 năm, các tổ chức phi chính phủ này vẫn tiếp tục giúp Việt Nam khắc phục hậu qủa chiến tranh cũng như công cuộc phát triển. Cụ thể: xoá đói giảm nghèo, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tất cả các lĩnh vực: các dự án nông nghiệp, quản trị doanh nghiệp nông nghiệp, xây dựng, hóa chất, điện tử, thông tin và truyền thông, bảo hiểm, y tế, du lịch… Trong thời gian tới, cần tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hà Lan. Đặc biệt, cần vận động và kêu gọi các dự án phi chính phủ của Hà Lan hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.