Mất an toàn giao thông từ việc bật đèn pha thiếu ý thức
Một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam có thói quen bật đèn chiếu xa, chiếu gần (hay còn gọi là đèn Cos –đèn Far) một cách vô tội vạ khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông ngược chiều, mà còn là nguyên nhân của tai nạn giao thông, cũng như các hệ lụy khôn lường khác.
Việc bật đèn pha sai quy định tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. (Ảnh minh họa)
Đèn chiếu xa (hay còn gọi là đèn pha) giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt hơn khi di chuyển vào buổi tối. Tuy nhiên, hành vi bật đèn pha lại được không ít lái xe nước ta thực hiện một cách khá tùy tiện khi điều khiển phương tiện cơ giới. Hành vi này thậm chí còn được thực hiện phổ biến trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư. Điều này khiến người đi ngược chiều rất khó chịu vì bị lóa mắt, khiến họ có thể bị lạc tay lái, mất phương hướng, dẫn đến bị ngã xe hoặc va chạm với người tham gia giao thông khác. Đặc biệt, những đoạn đường có chiều rộng càng nhỏ thì nguy cơ tai nạn, va chạm càng cao.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Phải nói là bật đèn pha trên các tuyến đường qua khu dân cư thì cái này rất bức xúc, vì nó làm cho người tham gia giao thông ngược chiều bị chói, rất dễ gây ra tai nạn. Đặc biệt đối với phương tiện không phải ô tô thì rất dễ bị lóa, dẫn đến tự mình bị tai nạn”.
Rất nhiều dẫn chứng điển hình đã được chỉ ra. Cụ thể như theo công an thành phố Hồ Chí Minh, trên xa lộ Hà Nội từng xảy ra một vụ tai nạn lật xe nghiêm trọng có yếu tố bắt nguồn từ nguyên nhân này. Sự cố giao thông trên xảy ra vào sáng sớm tại đoạn đường qua phường Hiệp Phú, quận 9, Tp.HCM. Khi đó, do gặp phải một xe tải ngược chiều bật đèn pha gây chói mắt, tài xế ô tô con đã bị lạc tay lái, tông thẳng vào dải phân cách đang thi công nằm giữa đường.Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe lật nhào, tài xế và người ngồi cùng trên xe bị thương nặng.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng cho biết, không chỉ gây tai nạn cho người đi đường, hành vi bật đèn chiếu xa của nhiều lái xe còn là nguyên nhân gây ra hệ quả cho chính mình, khi bị nhiều người tham gia giao thông khác bức xúc và có hành động trả đũa.
Cụ thể, vào tháng 8/2015, công an huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị cam và bắt tạm giam 5 thanh niên để làm rõ hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Đây là những người đã thực hiện hành vi ném đá vào các phương tiện giao thông trên quốc lộ 14. Khai nhận tại cơ quan điều tra, các thanh niên này đã thừa nhận hành vi của mình và cho biết, nguyên nhân của hành động phá hoại trên là do bức xúc vì bị đèn pha ô tô gây chói mắt.
Tương tự, vụ việc mới đây nhất xảy ra đêm ngày 11/2 vừa qua. Theo đó, tài xế Đoàn Ngọc Thơ và hơn 30 hành khách của nhà xe Ngọc Thông (tuyến Đắk Nông - Quảng Trị) đã bất ngờ bị một thanh niên đi xe máy chạy ngược chiều ném đá vào phương tiện. Sự cố xảy ra trên quốc lộ 14, đoạn qua địa phận huyện Đăk Tô, Đăk Nông, khiến kính chắn gió xe bị vỡ, gây thương tích cho tài xế và một hành khách trên xe. Bức xúc vì hành động vô văn hóa kể trên, tài xế đã quay xe truy đuổi suốt quãng đường 7 km, sau đó bắt được thủ phạm và giao cho công an địa phương xử lý. Tại cơ quan điều tra, thanh niên này cũng khai nhận, do bực tức vì bị nhiều ô tô chạy hướng ngược lại bật đèn pha gây lóa mắt, anh ta đã nhặt 7-8 hòn đá ven đường, bỏ vào giỏ xe máy và ném vào các ôtô khác có bật đèn pha. Ngoài vụ việc gây ra cho nhà xe Ngọc Thông, người này đã ném đá vào một xe taxi Mai Linh và một phương tiện xe khách khác.
Như vậy, hành vi ném đá lên các phương tiện giao thông là rất đáng lên án. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có lẽ, lỗi không hoàn toàn nằm ở những thanh niên ít hiểu biết và liều lĩnh nêu trên. Thực tế, hành vi bộc phát của những thanh niên nàyxuất phát từ một hành vi thiếu văn hóa khác, đó là bật đèn pha không đúng quy định của nhiều tài xế.
Phóng viên VOV giao thông quốc gia đã thực hiện phỏng vấn với nhiều người tham gia giao thông, để tìm hiểu đánh giá của họ về thực tế nêu trên. Các ý kiến cho biết: “Là lái xe lâu năm rồi tôi cũng phản đối không nên bật đèn pha trong khu dân cư. Theo tôi nó ảnh hưởng rất lớn với lái xe ngược chiều. Ánh sáng làm cho lái xe ngược chiều không nhìn thấy gì, hai nữa là nguy hiểm dễ gây ra tai nạn giao thông”. Một người khác chia sẻ: “Mình đi mà gặp một xe bật đèn pha như vậy thì rất lóa mắt, thậm chí không nhìn thấy đường phía trước. Như thế rủi ro rất cao và rất nguy hiểm”.
Như vậy, các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, tình trạng sử dụng đèn pha thiếu ý thức gây ra rất nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. Đây thực sự là một vấn nạn, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có thêm các biện pháp xử lý răn đe, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng. Một lái xe của hãng taxi Morning Hà Nội bày tỏ mong muốn: “Mong cơ quan chức năng làm sao tuyên truyền với anh em lái xe hiểu biết về văn hóa giao thông, đi trên đường sử dụng xe, các tình huống đèn pha cho hợp lý, không nên sử dụng đèn pha trong khu đô thị đông người, ảnh hưởng đến giao thông nhiều”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Bích Điểm, chuyên gia giáo dục cộng đồng cũng cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, vấn đề quan trọng nữa là nước ta phải có chế tài đủ sức răn đe: “Trước tiên phải giáo dục cho họ có ý thức để làm sao đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt đối với trẻ em có thể giáo dục từ nhỏ, nhưng đối với người lớn thì cần phải có chế tài để phạt, đủ sức răn đe để làm sao họ nhớ, để lần sau không tái phạm như vậy nữa”.
Đồng tình về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng lưu ý thêm, Luật Giao thông đường bộ nước ta đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong khu vực đô thị và khu đông dân cư; cũng như khi có xe đi ngược chiều. Ngược lại, các lái xe chỉ được phép dùng đèn chiếu xa khi lưu thông trên đường bộ ngoài khu vực đô thị, khu đông dân cư; cũng như trong trường hợp không tránh xe đi ngược chiều. Ngoài ra, trên các tuyến đường không có biển báo hiệu đường bộ quy định bắt buộc sử dụng đèn chiếu sáng gần, người điều khiển phương tiện mới được sử dụng đèn chiếu xa. Đây là những kiến thức mà lái xe phải nắm rõ và thực hiện đúng.
Ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh thêm: “Trong luật quy định là đi trong thành phố là không được dùng pha, chỉ dùng đèn code thôi. Cái này phải tuyên truyền cho lái xe là thực hiện đúng, sử dụng đèn với cường độ ánh sáng phù hợp. Đặc biệt khi phát hiện ra các trường hợp sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Cái này trong Nghị định 46 đã quy định rất rõ”.
Theo lực lượng CSGT, hiện nay, lực lượng này đã có đủ căn cứ để xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư là hành vi bị cấm, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 và Điều 6,Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với phương tiện ô tô; và từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện mô tô, xe máy.
Do đó, các lực lượng chức năng khuyến cáo, các lái xe cần chú ý chỉ sử dụng đèn pha khi thật cần thiết trong quá trình lưu thông trên quốc lộ hay cao tốc. Nếu thấy có phương tiện ngược chiều, lái xe phải ngay lập tức chuyển sang chế độ đèn chiếu gần để tránh gây lóa mắt, khó chịu cho người đi đường; đồng thời giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc xảy ra do tai nạn hay do những hành động trả đũa quá khích gây nên.
Như vậy, việc sử dụng đèn chiếu sáng đúng cách sẽ tạo nên văn hóa tham gia giao thông. Đây cũng là cách để mỗi chúng ta tự bảo vệ mình và đảm bảo sự an toàn cho mọi người cùng tham gia giao thông.
Theo VOV Giao thông