Mập mờ pháp lý dự án bị đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 1 năm
Lạng Sơn: Hàng chục nghìn tỷ đổ vào hạ tầng giao thông kích cầu bất động sản Thị trường nhà ở Quảng Ninh "bội thực" do cung vượt cầu nhiều lần Có một "đặc sản" mang tên TNR Holdings tại Hà Nội |
Trước thực trạng hầu hết các dự án bất động sản huy động vốn trái pháp luật, bán “lúa non”, mới đây UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất bổ sung hình thức xử phạt hành chính "đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng" đối với chủ đầu tư có hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về tình trạng của bất động sản.
Cụ thể, UBND TP.HCM đề xuất giao Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất Chính phủ Quy định chủ đầu tư thực hiện thông báo công khai thông tin về bất động sản hình thành trong tương lai tại UBND quận, huyện nơi dự án được triển khai, trong đó UBND các quận, huyện có trách nhiệm đưa ra các hình thức thông tin tuyên truyền phù hợp (qua trang thông tin điện tử, qua thông báo dán tại UBND phường, qua công tác giám sát chủ đầu tư tại địa bàn, qua đường dây nóng, bộ phận địa chính phường, qua ứng dụng công nghệ thông tin…).
Nếu không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về tình trạng của bất động sản theo quy định "đang thế chấp, chưa có văn bản của Sở Xây dựng về nhà ở đủ điều kiện để bán, cho thuê mua” sẽ bị xử phạt hành chính "đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng".
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất Chính phủ Quy định cụ thể về hoạt động giao dịch bất động sản thông qua hình thức "Hợp đồng góp vốn đầu tư", "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản", "hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng, hứa chuyển nhượng", "hợp đồng đặt cọc", "giữ chỗ" và các loại hợp đồng tương tự đối với nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Nhiều dự án bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép khi chưa đủ điều kiện kinh doanh. |
Quy định bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê căn hộ chung cư. Bên cạnh việc xóa thế chấp căn hộ được giao dịch, chủ đầu tư phải đồng thời xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất xây dựng chung cư đó. Bổ sung quy định thành phần hồ sơ đăng ký thế chấp làm cơ sở để cơ quan đăng ký thế chấp có cơ sở xác định nhà ở "đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng".
Trước đề xuất trên, lãnh đạo một doanh nghiệp có nhiều dự án bất động sản trên cả nước cho hay, được bán nhà hình thành trong tương lai là sự “cởi mở” của luật pháp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thể thu hồi vốn sớm hơn, có lợi cho thị trường bất động sản lẫn chủ đầu tư khi bớt được căng thẳng về tài chính… Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có một số đơn vị không nghiêm túc, kể cả từ phía chủ đầu tư lẫn khách hàng. Vị này dẫn chứng như vụ lừa bán đất ở Địa ốc Alibaba, không đủ điều kiện pháp lý đã bán dự án hình thành trong tương lai lừa đảo, lợi dụng không công khai minh bạch những vấn đề pháp lý, những quy hoạch… rồi thu tiền của người mua.
“Đề xuất của TP Hồ Chí Minh là đúng; có điều cần quy định công khai những tài liệu pháp lý tối thiểu để người dân, khách hàng biết được dự án đủ điều kiện được triển khai. Nhưng nếu công khai tất cả tài liệu của dự án thì có những dự án đang triển khai lại có những yêu cầu hơi quá, thành ra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo luật pháp cần cân nhắc câu chữ để văn bản được ban hành rõ ràng, hướng dẫn chuẩn”, vị này cho biết thêm.