Lưu học sinh Lào dưới mái ấm gia đình Việt
Ấm áp "ba cùng"
Một chiều trung tuần tháng 3/2023, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội rộn rã lạ thường. Hôm nay là ngày người dân xã đón các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Hữu nghị T78 về "ba cùng" (cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng học tập) với gia đình mình theo chương trình "Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân" do nhà trường triển khai.
Có mặt tại ủy ban từ sớm, bà Khuất Thị Phượng (trú tại thôn Ổ Thôn, xã Thọ Lộc) cho biết, bà đăng ký đón 2 học sinh nữ về nhà. Đây là năm thứ sáu gia đình bà Phượng đón lưu học sinh Lào về ở, thời gian các em ở cùng từ 15-20 ngày.
"Lần nào cũng vậy, các cháu đều ngại ngùng lúc ban đầu. Nhưng tôi nói: đây là nhà mình, các con cứ tự nhiên. Các cháu tầm tuổi con tôi nên tôi coi như con. Con trai thứ hai của tôi cũng xa nhà để du học Nhật Bản nên tôi thấu hiểu cảm giác bỡ ngỡ nơi đất khách của các cháu.
Khi tôi sang thăm con thì thấy được người Nhật rất thân thiện. Khi tôi đi tập thể dục gặp hàng xóm, họ đều chào hỏi, mời tôi sang chơi. Khi tôi đón cháu nội ở trường mầm non, các cô giáo đưa cho tôi một tờ giấy viết bằng tiếng Nhật. Tôi đem về nhờ con dâu dịch thì biết các cô viết rằng: "Bác về Việt Nam rồi sớm trở lại".
Tôi muốn giúp các cháu học sinh Lào hòa nhập với môi trường ở Việt Nam như cách người Nhật đã giúp đỡ con cháu tôi", bà Phượng kể.
Người dân xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đón lưu học sinh về nhà "ba cùng". (Ảnh: Thành Luân) |
Những lần gia đình bà Phượng đón lưu học sinh Lào về "ba cùng", đa số các cháu nói tiếng Việt chưa thạo. Vì vậy ăn món gì, nguyên liệu, cách làm thế nào đều được bà giới thiệu tỉ mẩn như một cách để các lưu học sinh học tiếng Việt và hiểu thêm về ẩm thực, văn hóa Việt Nam.
"Nhà tôi thỉnh thoảng làm phở cuốn, món ăn có nhiều nguyên liệu như bún, tôm, thịt, dứa, rau mùi... Đặt nguyên liệu trên đĩa, tôi chỉ cho các cháu món này có những gì, các cháu chụp ảnh rồi hỏi làm thế nào. Lúc tráng trứng, thái giò tôi để các cháu làm cùng. Tương tự, khi tôi làm chả nem, thịt nướng... các cháu quan sát rồi làm theo. Các cháu cũng tự làm một số món ăn truyền thống của Lào như lạp, nộm... và giới thiệu từng món", bà Phượng cho biết thêm.
Ở được ít ngày, các cô con gái Lào dần quen với không khí gia đình Việt. Bà Phượng kể: sáng sáng các cháu dậy quét nhà, quét sân. Khi tôi làm vườn, các cháu cũng ra xin làm cùng. Nhà tôi có một cháu nhỏ đang tuổi tập nói. Cháu đi học về thường bi bô nói chuyện với các cô, các cô cũng học tiếng Việt cùng cháu. Nhờ vậy, sau một thời gian tiếng Việt của các cháu học sinh tiến bộ hơn.
Kết thúc thời gian đi thực tế nhưng đến mỗi cuối tuần, các lưu học sinh lại rủ bạn qua nhà bà Phượng. Thậm chí, sau khi ra trung tâm thành phố Hà Nội học, các em thi thoảng vẫn về chơi. Mỗi lần như vậy, bà Phượng lại gói ghém cá, gạo, bưởi... cho các con tới chỗ học.
"Còn sức khỏe tôi còn đón học sinh Lào về ở, sau đó con tôi sẽ tiếp tục làm công việc này", bà Phượng nói.
Cùng xã với bà Phượng, gia đình ông Khuất Hữu Khôi (ở thôn Bướm) đã có 4 năm nhận lưu học sinh Lào về sống cùng. Năm nay, đón hai học sinh nam người Lào là Bounpheng Phanthavong và Khanhthaly Manikham (cùng học lớp tiếng Việt 1, Trường Hữu nghị T78) về, vợ chồng ông tất bật chuẩn bị cơm nước. Bà luộc thịt, tráng trứng, xào đậu cove, ông phóng xe đi mua thịt nướng, gà luộc, vịt luộc. Ông bảo bình thường ông bà cơm canh đơn giản là xong bữa nhưng các con thanh niên trai tráng cần đủ chất dinh dưỡng và đa dạng món ăn. Biết người Lào thích ăn cay, ngoài bát nước chấm đã nêm nhiều ớt, bà Nghiêm Thị Nghĩa - vợ ông Khôi còn cắt thêm một đĩa ớt để gần hai con nuôi người Lào.
Sợ các con lạ nhà, ông Khôi sắp xếp cho Khanhthaly và Bounpheng ở ngay tầng một, cạnh phòng khách. Căn phòng gần 20m2 có chăn màn, điều hòa, bàn học, giá sách, tủ quần áo và chiếc tivi Sony 50 inch... Tất cả đều là đồ mới. Giao chìa khóa tủ cho các con, ông Khôi dặn dò: "Khi đi học các con cứ giữ lại chìa khóa. Bố sẽ giao chìa khóa nhà cho hai đứa để tan học mà bố mẹ chưa về các con còn mở được cửa vào nhà”.
Môi trường học tập, sinh hoạt đa năng
Theo ông Khuất Hữu Khôi, các hộ gia đình chính là môi trường học tập linh hoạt, đa năng cho lưu học sinh Lào. Các con được học mọi lúc, mọi nơi từ lời chào bố mẹ mỗi sáng trước khi đến trường, từ những câu chuyện trò, hỏi han trong bữa cơm gia đình đến cách nấu những món ăn, những phong tục tập quán của người Việt... Các con cũng được tiếp xúc với nhiều người, nhiều cách nói chuyện khác nhau từ người già đến trẻ nhỏ, từ bạn bè đồng trang lứa đến những anh chị lớn hơn… Nhờ vậy, khả năng nghe nói, cách phát âm tiến bộ dần.
Ông Khuất Hữu Khôi giao chìa khóa tủ cho hai con Lào. (Ảnh: Thành Luân) |
Khanhthaly Manikham cho biết: Thời gian sống ở nhà bố Khôi, mẹ Nghĩa rất vui vẻ và thoải mái. Bố mẹ quan tâm, chăm sóc chúng tôi như con ruột của mình.
Ở với bố mẹ Việt, khả năng tiếng Việt của Khanhthaly được nâng lên, vốn từ ngữ thêm phong phú, đặc biệt anh tự tin hơn trong giao tiếp.
“Bố hướng dẫn chúng tôi viết thư bằng tiếng Việt. Bố chỉ rõ cấu trúc của thư với các phần: lời đầu thư, nội dung thư và kết thư. Đặc biệt, bố còn dạy chúng tôi phân biệt cách xưng hô, văn phong phù hợp với từng chủ thể như “Ông bà xa nhớ”, "Bố mẹ kính yêu của con”, hay “Em thương yêu của anh”…
Để chúng tôi biết thêm về phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, bố dẫn tôi và anh Bounpheng Phanthavong đến dự đám cưới con một người bạn của bố, còn chuẩn bị các phần quà để chúng tôi mừng hạnh phúc cô dâu chú rể”, Khanhthaly kể.
Theo ông Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78: Chương trình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” đã đạt được những thành công tốt đẹp và trở thành mô hình học tập tiên tiến, gắn lý thuyết với thực hành góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường, đem lại hiệu quả giáo dục cao và có sức lan tỏa sâu rộng. Chương trình là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa chính trị to lớn, là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách đối ngoại với nước bạn Lào của Đảng và Nhà nước, góp phần vun đắp, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.