Bố mẹ Việt giao "tay hòm chìa khóa" cho con Lào
Gia đình ông Khôi đã có 4 năm đón lưu học sinh Lào về ở theo chương trình đi thực tế tại nhà dân do Trường Hữu nghị T78 phối hợp với UBND xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội tổ chức. Năm nay, vào trung tuần tháng 3/2023, gia đình ông lại đón hai con Khanhthaly Manikham (32 tuổi) và Bounpheng Phanthavong (36 tuổi) về nhà. Đây là 2 trong số 162 lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Hữu nghị T78. Trong vòng 20 ngày, các anh cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng học tập với bố Khôi, mẹ Nghĩa.
Trong khi bà Nghĩa tất bật chuẩn bị bữa tối với đủ các món từ thịt lợn, gà, vịt, đậu cove... thì ông Khôi dẫn hai con vào phòng cất đồ.
Ông Khuất Hữu Khôi giao chìa khóa tủ cho hai con Lào (Ảnh: Hải An). |
Phòng của Khanhthaly và Bounpheng nằm ở ngay tầng một, cạnh phòng khách. Ông Khôi giải thích: Sợ các con lạ nhà nên bố mẹ sắp xếp để hai đứa ở đây. Phòng này trước là nơi làm việc của bố, giờ các con về bố dọn lên tầng trên, nhường phòng cho các con.
Vừa mở cửa, Bounpheng đã thốt lên: "Phòng rộng và đẹp quá bố ơi!". Trong căn phòng gần 20m2 có chăn màn, điều hòa, bàn học, giá sách, tủ quần áo và chiếc tivi Sony 50 inch... Nhắc hai con treo quần áo và để vali vào trong chiếc tủ nhôm màu trắng 4 buồng kích thước 2mx2m ông Khôi nói: “Tủ này bố mẹ vừa đóng mới. Bây giờ bố giao chìa khóa tủ cho các con tùy ý sử dụng. Khi đi học các con cứ giữ lại chìa khóa. Lát nữa bố sẽ giao chìa khóa nhà cho hai đứa để tan học mà bố mẹ chưa về các con còn mở được cửa vào nhà”.
Đợi Khanhthaly và Bounpheng cất đồ xong, ông Khôi lại dẫn hai con xuống công trình phụ ở bên cạnh. Gạt vòi sen nóng lạnh sang một bên, ông bảo: Các con mở chế độ nước lạnh rồi gạt dần sang bên đường nước nóng, chạm thử tay vào nước để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Không được mở nước nóng ngay, có thể gây bỏng da.
Trong bữa cơm tối, ông Khôi gọi điện cho những người con Lào đã ở cùng với gia đình ông những năm trước để giới thiệu các em. Vừa liên tục gắp thức ăn vào bát cho hai con Lào, ông Khôi vừa kể: "Nhà bố đã có 4 năm đón lưu học sinh về ở, bố mẹ coi các con như con ruột. Các con đứa nào cũng thật thà, hiền lành, ngoan ngoãn, chăm chỉ, đi đâu cũng xin phép bố mẹ, về chào hỏi".
Dù nhiều con Lào đã tốt nghiệp về nước song ông Khôi vẫn nhớ mặt và tên của các con, đồng thời lưu giữ ảnh chụp chung. Có các con làm cầu nối, thi thoảng ông gọi điện hỏi thăm gia đình các con ở bên Lào. Không biết tiếng Lào, nói chuyện phải có các con phiên dịch song đối với ông Khôi, quan trọng nhất vẫn là cái tình. Các con nhiều lần mời bố mẹ sang Lào chơi song ông chưa có điều kiện để đi. Ông nói: Các con nhớ tới bố mẹ là được, thậm chí dẫu các con có quên cũng không sao. Chỉ cần biết khi tới đây, các con đã là con của bố mẹ.
Trên trang cá nhân, Khanhthaly Manikham viết về 20 ngày sống cùng bố Khôi mẹ Nghĩa: "Trong suốt thời gian sống ở nhà của bố Khôi mẹ Nghĩa, con rất vui vẻ và thoải mái, được tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam. Bố mẹ rất tốt bụng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc con như con ruột". |