Lường trước rủi ro để khai thác hết tiềm năng
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2023, phiên tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” đã diễn ra vào ngày 19/12 tại Hà Nội.
Trong vai trò chủ tọa, TS. Xuedong David Huang, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), đã nhận định: Con người đang chứng kiến những tác động ngày càng rõ rệt của các lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo (AI) và Công nghệ máy học (Machine Learning). Một trong những ví dụ nổi bật là những tiến bộ mang tính cách mạng của mô hình Ngôn ngôn ngữ lớn (Large Language Model) trong giai đoạn 2022-2023.
Phiên tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” đã diễn ra vào ngày 19/12 tại Hà Nội. |
Cùng quan điểm, diễn giả người Ấn Độ, TS. Padmanabhan Anandan (Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture) đã nêu ra những tác động của AI đến đời sống trong thời gian gần đây. Qua đó, công nghệ hiện đại này đã hiện diễn rõ nét trong nhiều mặt đời sống như trợ lý AI, công cụ chăm sóc khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ trực tuyến tự động.
"Phương diện AI đã mang lại hiệu quả vào việc tiên lượng sự bùng phát của đại dịch, xác định và cảnh báo tình trạng bệnh dịch một cách chính xác.Tôi tin rằng trong tương lai, ứng dụng AI sẽ tiếp tục được ứng dụng mạnh mẽ nhằm cải thiện đời sống theo hướng tích cực." TS. Padmanabhan Anandan nói.
Các nước đang phát triển còn gặp khó khăn khi thích ứng
Tại tọa đàm, các diễn giả nhận định rằng, xu hướng AI tại Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với nhiều rào cản đặc thù trong giai đoạn chuyển tiếp, hiện đại hoá.
TS. Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc của VinAI (Việt Nam), khẳng định: Các thách thức thể hiện rõ ở việc đảm bảo sự an toàn và lợi ích cho người dùng trước sự hiện diện ngày càng rõ rệt của AI trong cuộc sống.
"Thay vì lo sợ sự lấn át của AI, chúng ta cần đẩy mạnh sự kết hợp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo, ví dụ như thông qua các hình thức như sức mạnh tích hợp (Copilot) hay trợ lý cá nhân (AI personal assistant).", TS Bùi Hải Hưng cho biết.
Một trong những nội dung nổi bật được nêu ra trong thảo luận là thông tin sai lệch tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội về sức mạnh của AI. Nhận định về vấn đề này, các diễn giả đưa ra lời khuyên với công chúng và nhấn mạnh: AI là một công cụ hữu ích và thông minh vượt trội trong việc tăng cường tự động hóa và đẩy nhanh năng suất, tuy nhiên vẫn dễ dàng vận dụng tương tự như với các công nghệ đã sẵn có.
Bên cạnh đó, TS. Leslie Gabrial Valiant (Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture) cho rằng, nhiều rủi ro tiềm ẩn ở việc lưu trữ cơ sở dữ liệu lớn. Ông nhấn mạnh, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong việc khai thác tiềm năng của AI, không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng và cơ sở vật chất mà còn ở tư duy nghiên cứu sáng tạo.
Chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống" nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023. Trong các ngày từ 18-21/12, một số chủ đề khoa học - công nghệ nổi bật nhất hiện nay được đưa ra thảo luận bao gồm: Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại; "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn"; "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" và "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức". |