Lương tối thiểu vùng 2019 liệu có tăng?
Phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia năm 2019 diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp.
Trao đổi nhanh với báo chí trước giờ khai mạc phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có thể phía đại diện doanh nghiệp sẽ phải thay đổi mức đề xuất tăng 0% lương tối thiểu năm 2019. "Mức thay đổi còn tùy thuộc vào diễn biến cụ thể, nhưng sẽ phải thay đổi", ông Phòng nói.
Trong khi đó, đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quả quyết sẽ không thay đổi đề xuất mức tăng 8% như đã đưa ra tại phiên họp thứ nhất hồi đầu tháng.
Trước đó, ngày 9/7, phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia lần thứ nhất khép lại với khoảng cách giữa đại diện phía người lao động và doanh nghiệp là 8%.
Ảnh minh họa
Chia sẻ kinh nghiệm từ phiên họp các năm trước, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, cũng cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách của 2 bên trong phiên thứ 2 là điều không dễ, khi mỗi bên đều có những lý lẽ và dẫn chứng riêng. Cả 2 bên sẽ tính toán nâng lên, đặt xuống, có những điều chỉnh ở mức nhỏ nhất.
“Sẽ là khó khăn và không công bằng nếu chúng ta chỉ quan tâm tăng lương tối thiểu ở mức cao và cứ nhấn mạnh tới nhu cầu sống tối thiểu mà bỏ quên khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu năm 2019 chỉ nên tăng ở mức 5%. Mức tăng này tuy không cao bằng năm 2018, nhưng cũng phần nào đảm bảo lương thực tế cho người lao động trong điều kiện trượt giá của năm 2019”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận: “Chắc chắn 2 bên sẽ có nhượng bộ nhất định so với phiên 1, nhằm hướng tới mục tiêu chiến lược trong đàm phán của mỗi bên. Tôi cho rằng, lương tối thiểu năm 2019 chắc chắc sẽ phải tăng. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tế và cũng là đạo lý”.
Cụ thể, theo báo cáo đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8,0% (tăng từ 220.000 - 330.000 đồng). Phương án này sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu.
Ông Mai Đức Chính cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp xác định: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Như vậy, chỉ còn thời gian 2 năm để kết thúc mục tiêu này. Bình quân tính toán mức GDP, CPI, mức đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động khoảng 8%.
Bên cạnh đó, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Đa phần những ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019".
Mặt khác, bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương (các đơn vị tham mưu của Bộ LĐTB&XH) cũng đã đưa ra đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% để các bên tham khảo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phiên đàm phán đầu tiên (ngày 9/7) thực chất chỉ là dịp để các bên tìm hiểu về những luận cứ đề xuất điều chỉnh. Tại phiên đàm phán thứ hai này, kịch bản đàm phán sẽ giằng co và thực chất hơn.
N.H (t/h)