Luật ATVSLĐ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động
Tham dự hội nghị có đồng chí Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH); đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các đại diện đến từ các Sở LĐTBXH, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động một số địa phương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp: Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ, Hội Y học lao động, Viện nghiên cứu ATVSLĐ...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Đây là một hoạt động quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật. Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, chúng ta sẽ: Làm rõ tác động tích cực của Luật ATVSLĐ tới mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Luật ATVSLĐ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động (ảnh minh họa) |
Những thành công và hạn chế trong quy định và tổ chức thực hiện Luật ATVSLĐ; Làm rõ tính phù hợp, khả thi của các quy định hiện hành; Xác định những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn ATVSLĐ cần được điều chỉnh; Đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể trong sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với hội nhập quốc tế.Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Sau 5 năm triển khai Luật ATVSLĐ, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Ngay sau khi Luật ATVSLĐ năm 2015 được ban hành, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, thống kê các văn bản quy phạm pháp luật cần hướng dẫn quy định tại Luật ATVSLĐ và Bộ luật Lao động đang còn hiệu lực để đưa ra danh mục các văn bản cần xây dựng, hoặc phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật ATVSLĐ năm 2015. Từ năm 2015-2021, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình ban hành, ban hành 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung ATVSLĐ; ban hành các quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần, hết hiệu lực toàn bộ. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ và công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật ATVSLĐ, hàng năm, có nhiều cuộc tập huấn về nội dung mới của Luật ATVSLĐ 2015 và các văn bản hướng dẫn đã được tổ chức. Đối thoại của Hội đồng quốc gia và hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ), các tổ chức đại diện giới chủ, giới thợ, các cơ quan nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết pháp luật, tăng cường sự cải thiện điều kiện lao động. Các phiên họp, đối thoại thường niên của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và NLĐ, qua đó các kiến nghị sửa đổi chính sách đã được tiếp thu và cải thiện. Các phiên đối thoại của hội đồng cấp tỉnh cũng đã được triển khai trên hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc (63/63 tỉnh, thành), dần đi vào nề nếp cũng đã góp phần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng DN và NLĐ.
Từ thực tế giai đoạn 2011-2015, mỗi năm có khoảng 500 ngàn đến 1,1 triệu người được tuyên truyền, phổ biến thông tin và huấn luyện; trong giai đoạn 2016 – 2021, số lượt người huấn luyện do các tổ chức huấn luyện ATVSLĐ huấn luyện vào khoảng 1,2 đến 2,1 triệu người. Ngoài ra, các DN, tổ chức cũng tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 2-5 triệu lượt người/năm. Đến nay, có khoảng 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ (hạng A, B, C) góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về ATVSLĐ.
Đánh giá về mặt tích cực cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật ATVSLĐ, ông Hà Tất Thắng cho biết: Luật ATVSLĐ đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực ATVSLĐ; trách nhiệm của tổ chức công đoàn, hội nông dân cũng như sự phối hợp của các bên trong công tác ATVSLĐ.