Lời sám hối muộn của một người đàn bà phạm tội buôn người
Lấy chồng ngoại vì muốn đổi đời
Theo lời Hương kể thì cô sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Cái đói nghèo, lam lũ đã khiến Hương phải sớm vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Có lẽ vì thế mà mang tiếng là sinh ra ở thế hệ 8X nhưng Hương chưa một lần được cắp sách tới trường.
| |
Phạm nhân Nguyễn Thị Hương đang lao động cải tạo. |
Hỏi cô có phải vì nhà quá nghèo mà không được đi học hay vì lý do nào khác, Hương lắc đầu cười: "Nhà nghèo quá, bố mẹ tôi bảo đói thì kiếm cái gì bỏ bụng đã, học mà đói vàng mắt thì chả chữ nào vào đầu đâu. Với lại ở quê tôi còn nặng quan niệm con gái học nhiều thì cũng chỉ để lấy chồng mà thôi". Giấu đôi bàn tay thô ráp, Hương gượng gạo tâm sự.
Không chỉ Hương mà các anh chị cô cũng không ai được học hành đã sớm bôn ba kiếm sống từ sớm. Họ theo người làng đi các tỉnh làm thuê, làm mướn, mỗi ngả kiếm ăn, ở nhà chỉ có bố mẹ quanh quẩn với mảnh ruộng, mảnh vườn. Hương cũng tha phương kiếm ăn nhưng cô không vào Nam với anh chị mà ngược lên phía Bắc. Theo người làng, cô ra nhập đội quân cửu vạn vùng biên nhưng cái nghề làm thuê, ráo mồ hôi là ráo tiền nên dù có chăm chỉ thì số tiền Hương dành dụm cũng chẳng đáng là bao.
Nghĩ cảnh tất bật quanh năm, ăn dè hà tiện cũng không thể khiến cuộc sống sung túc được, Hương cảm thấy bế tắc. Giữa lúc ấy, có người giới thiệu cho Hương lấy chồng khá giả. "Người ta hứa sẽ đối xử tử tế với tôi, còn cho tiền tôi gửi về quê giúp đỡ bố mẹ già, vậy là tôi gật đầu", Hương nhớ lại.
Người đàn ông mà Hương đồng ý lấy gần bằng tuổi bố cô, là chủ một tiệm bán vải ở bên Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là thỏa thuận ngầm giữa hai người chứ không hề có hôn thú. Theo lời Hương kể thì thời gian đầu cô rất được "chồng" chiều chuộng, nhất là khi biết cô mang bầu thì anh chồng đối xử với cô rất tốt.
Đứa con đầu là gái, sự chu đáo của chồng đối với Hương có vơi đi. Nhưng tới khi cô sinh đứa thứ hai cũng vẫn là gái thì cô chỉ được gần con vẻn vẹn có một tháng trời. Sau khi dứt Hương ra khỏi đứa con còn đỏ hỏn, người chồng tàn nhẫn đuổi cô ra đường một cách không thương tiếc.
Vì cưới không hôn thú, giấy tờ tùy thân lại không có nên để ở lại được mảnh đất quê người, Hương phải sống chui lủi. Bất kể công việc gì, ai thuê cô cũng làm. Hỏi Hương sao không về nước, biết đâu bố mẹ cũng mong cô lắm vì gần chục năm bặt tin, Hương nức nở: "Tôi nhớ bố mẹ lắm nhưng vì thương hai đứa con thơ nên không nỡ về nước. Tôi cứ quanh quẩn nơi chúng ở, thi thoảng lại lén tới nhìn trộm chứ không dám lại gần vì lại gần mà chồng bắt được thế nào cũng đánh cho một trận nhừ tử".
Bản án 18 năm tù và mong ước được một lần gia đình vào thăm
Theo lời Hương thì trong một lần đi bưng bê tại một quán ăn, tình cờ cô gặp người cùng quê và được người này rủ chung vốn làm ăn. Hương bảo cô không có tiền, chỉ làm thuê thôi. Người này cho biết được rất nhiều người đàn ông Trung Quốc nhờ tìm hộ phụ nữ Việt Nam, giới thiệu cho họ lấy làm vợ sẽ trả công.
Theo lời người đó thì nếu Hương tham gia, chị ta sẽ trả công sằng phẳng. Ban đầu Hương cũng lưỡng lự không phải vì biết là việc làm đó vi phạm pháp luật mà chỉ vì nghĩ đơn giản là đã lâu không về quê nhà, biết ai đâu mà giới thiệu. Tuy nhiên, khi người đồng hương bảo nếu Hương tìm được người có nhu cầu tìm vợ thì giới thiệu cho chị ta thì Hương đã đồng ý.
Theo lời Hương thì thời gian sinh sống gần chục năm nơi đất khách quê người, cô cũng có những mối quan hệ nhất định với người sở tại nên cũng nắm bắt được nhu cầu tìm vợ của những người đàn ông nơi đây. Theo đó, mỗi phi vụ giới thiệu cho những cô gái mà người đồng hương dẫn sang, lấy được chồng, Hương sẽ được trả công 2 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ vào năm 2004. Tuy nhiên, những bị hại mà Hương giới thiệu lại không hề được môi giới lấy chồng mà đều bị bán vào các nhà chứa làm gái mại dâm.
Theo hồ sơ phạm nhân, trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2008, Hương đã 3 lần tham gia vào việc bán 5 cô gái đều quê ở Thanh Hóa vào nhà chứa bên kia biên giới. Trong số 5 cô gái mà Hương dắt đi có 2 người khi đó mới 15 tuổi. Bị kết án 18 năm tù về tội buôn bán phụ nữ và trẻ em, Hương về Trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội may mặc.
Nhận xét về Hương, Trung úy Phạm Thị Bích Phượng, quản giáo phụ trách đội may mặc, phân trại 2, Trại giam Ninh Khánh cho biết, đấy là một phạm nhân có hoàn cảnh rất đáng thương. Từ ngày vào trại giam đến nay đã gần chục năm rồi nhưng Hương chưa từng được người nhà tới thăm nuôi. Thời gian đầu vào trại, Hương còn trầm cảm nhưng giờ thì đỡ hơn. Hương rất chăm chỉ, làm việc luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu và chấp hành tốt nội quy của trại nên đã được giảm án 3 lần…
"Em thương hai con lắm, thương cả bố mẹ nữa. Mong ước lớn nhất của em là sau này ra trại, tìm được con, đón về nước. Muốn là thế nhưng không biết nó có theo mẹ về không nữa", Hương khẽ nói. Cô bảo biết lỗi của mình với cha mẹ, với hai con là rất lớn nhưng chẳng biết làm thế nào để thay đổi được. Gần chục năm trong trại, điều an ủi lớn nhất đối với Hương là cô đã biết đọc, biết viết. Sau 2 khóa theo học lớp xóa mù, Hương đã có thể đọc thông, viết thạo.
Như vẫn còn cảm giác lần đầu cầm bút viết thư về cho gia đình, Hương hào hứng: "Lần đầu tiên em viết thư về, run lắm nhưng cảm giác lúc đó thật vui sướng, hạnh phúc. Cuối cùng thì em cũng viết được một lá thư hoàn chỉnh, cho dù còn rất nhiều lỗi chính tả nhưng thế là em cũng biết chữ rồi. Nhận được thư em chắc chắn bố mẹ vui lắm vì không ngờ ở trong tù mà em vẫn được học chữ".
Hương kể rằng cô được tiêu chuẩn mỗi tháng một lần gọi điện thoại về cho gia đình nhưng ngày cô bị bắt, gia đình quá nghèo làm gì có điện thoại. Còn bây giờ, Hương cũng không biết ở nhà mọi người sống ra sao vì từ ngày đi cải tạo, cô chưa được một lần nào người nhà tới thăm.
| |
Các phạm nhân nữ Trại giam Ninh Khánh cải tạo lao động ở đội may mặc. |
"Tôi muốn viết nhiều thư nữa về cho bố mẹ, muốn tâm sự nhiều lắm nhưng không ai viết thư lại cho tôi. Tôi không biết bố mẹ còn hay mất, các anh chị sống thế nào. Dường như mọi người quên tôi rồi", Hương tâm sự. Cô bảo rất sốt ruột về gia đình song chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng cải tạo để sớm trở về.
Nói về dự định của mình sau khi ra trại, Hương bảo chưa biết sẽ đi đâu, về đâu. "Về nhà thì tôi cũng muốn lắm nhưng không biết bố mẹ còn sống không, anh chị có chấp nhận tôi không. Mà đi thì đi đâu, tuổi này rồi cũng không còn sức để bốc vác nữa. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải một lần quay lại bên kia để thăm các con, xem chúng sống thế nào", Hương bộc bạch.
Nghe chúng tôi hỏi vui có định lấy chồng nữa không, Hương xua tay quả quyết: "Thôi thôi, về nhà làm nuôi thân có khi còn không kham nổi, hơi sức đâu mà đèo bòng. Còn bảo lấy chồng để nương tựa thì tôi sợ lắm rồi. Cũng chỉ vì muốn nương tựa, muốn đổi đời mà cuộc đời tôi mới như thế này đây".
Trước khi kết thúc câu chuyện về cuộc đời mình để tiếp tục công việc, Hương giục chúng tôi chụp ảnh cô đang cải tạo lao động kèm theo lời nhắn nhủ: "Các chị cứ viết thật về tội lỗi của tôi để cảnh tỉnh những cô gái đang nuôi mộng đổi đời từ việc lấy chồng ngoại quốc, giàu có. Tôi tin chắc còn rất nhiều cô gái cũng không am hiểu pháp luật như tôi, chỉ vì những suy nghĩ đơn giản mà phạm tội".
Nghe Hương nói vậy, chúng tôi thầm nghĩ, hẳn người đàn bà này chịu nhiều day dứt lắm.