Lời nói vần sự kết tinh văn hóa của người Êđê
Đắk Lắk phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar và UBND xã Ea Tar vừa tổ chức phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê. Hoạt động này nhằm khôi phục những nghi lễ truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. |
Lễ hội văn hóa đón Tết cổ truyền tại Canada Hiệp hội Canada - Việt Nam (CVS) ngày 8/1 đã tổ chức lễ hội văn hóa đón Tết Nguyên đán 2023 với chủ đề Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada - cơ hội Vàng để thúc đẩy hợp tác song phương. |
Lời nói vần có trong những lời kể sử thi (khan) của các nghệ nhân bên bếp lưả hồng, trong những nghi lễ cúng vòng đời, cúng bến nước hay lúa mới… Những lời nói vần là những khúc hát kưt trữ tình trong những lời dặn dò con cháu biết yêu quê hương, buôn làng, biết yêu thương, đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống hay là những lời ẩn dụ giàu hình ảnh trong khúc eirei giao duyên ngọt ngào tình đôi lứa.
Từ xa xưa klei duê phổ biến trong cộng đồng Êđê, đó là những giá trị được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần tạo nên nét độc đáo trong ngôn ngữ của người Êđê. Các nghệ nhân cao tuổi thường nói rằng, mỗi khi lời nói vần được nói ra từ môi miệng ai đó, thì những người đó chính là những người được Yang cho cái môi cái miệng biết duê. Khi dặn dò con cháu, khi cúng trong các dịp lễ, hay trong khi khóc thương nhớ người đã khuất đều có klei duê. Klei duê được sử dụng rất linh hoạt trong những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.
Nghệ nhân Y-Rung Ksơr (Aê Juăng- 72 tuổi) ở ƀuôn Huang, xã Krông Jing, huyện M’Drak, tỉnh Dak Lak cho biết: “Lời nói vần trong tình yêu đôi lứa có những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như khi lên dạm hỏi và khi đang yêu nhau cũng khác nhau. Khi lên dạm hỏi nhà trai thì có lời nói vần như thế này:“Chúng tôi lên thăm nhà để dạm hỏi, nhà gái chúng tôi cần người canh rẫy, người đuôỉ chim ktiă, chặt bụi cỏ để trồng rau tỉa bắp”. Còn nếu xảy ra xích mích trong hôn nhân gia đình, trong những lúc xử phạt thì tuỳ theo tội mỗi người phạm phải. Bên nào sai thì phạt theo lời nói vần đã định sẵn. Và khi hai bên cùng trao đổi với nhau, bên nào mở lời nói trước thì bên kia cũng sẽ gieo vần đáp lại”.
2 Nghệ nhân Aê Jek và Aduôn Jek thổi đinh năm, hát eirei |
Người Êđê cho rằng, klei duê thiết thực trong việc giao tiếp hằng ngày, giúp cho người nghe tiếp thu nhanh và nhớ lâu. Lời nói vần được kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn và sinh động. Klei duê có tính ẩn dụ rất sâu sắc, có câu nói rằng “Blŭ tinei, mgei ti adih” (Tạm dịch: nói bên này rung bên kia). Người Êđê dùng những hình ảnh quen thuộc trong đời thường để dặn dò con cháu trong cuộc sống, cách ứng xử với cộng đồng hay gia đình, con cháu.
Già làng Y- Pôt Ƀuôn Krông (Aê Rôni), ở buôn Krang, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lak chia sẻ: “Hiện nay những lời nói vần dặn dò trong tình yêu đôi lứa vẫn còn trong cộng đồng người Êđê để luôn nhớ về cội nguồn. Dặn dò con cháu phải chung thủy với vợ, sống yêu thương vợ đến hết cuộc đời. Có lời nói vần như: “Ở với vợ đến hết cuộc đời, uống rượu cần cho đến khi nhạt, đánh cồng chiêng tay cùng hòa nhịp, không phải bỏ nửa chừng, lấy vợ phải có trách nhiệm với hôn nhân của mình”.
Có thể nói, nếu không có lời nói vần sẽ không có dân ca Êđê. Từ kể khan đến hát kưt, eirei đều là lời nói vần. Tuy nhiên mạch vần ở mỗi thể loại cũng có những nét khác nhau. Nghệ nhân Y-Đhin Niê, Buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Čư̆ M’Gar, tỉnh Dak Lak cho biết: “Trong kể khan những lời nói vần theo một mạch nhất định, không ghép lấy câu này dán vào chỗ khác được. Hát kưt, eirei cũng là lời nói vần nhưng cách duê không giống nhau. Ví dụ như, khi hát kưt bình thường đang lấy hình ảnh cây cà phê ẩn dụ thì chuyển sang cây lúa là chuyện bình thường, còn khan thì không thể làm như vậy, nó là một nội dung, mạch lạc. Đang khan về đoạn uống rượu cần thì phải hết đoạn này rồi mới hát đoạn khác".
Lời nói vần được sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, dù vui hay buồn đều có mặt trong cuộc sống của người Êđê. Khi trên nương rẫy là những klei duê về kinh nghiệm sản xuất, khi ở nhà sàn dài những khúc hát dặn dò con cháu sâu sắc hay trong những lễ hội là lời tỏ tình ngọt ngào. Bởi những giá trị đặc sắc ấy nên dù ở trong nhịp sống hiện đại, lời nói vần vẫn còn tồn tại trong đời sống của người Êđê.
Nghệ nhân Ama Nghin đang hát kể sử thi Dam Săn |
Già làng Y- Tung Ƀuôn Krông, (Aê Luai - 70 tuổi) ở Buôn Kô, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lak cho biết:“Hiện nay lời nói vần vẫn còn được sử dụng trong buôn. Trong đám chết vẫn còn thổi đinh năm, hát kưt, eirei. Những bài dân ca này là lời nói vần hết. Những lúc đó sẽ gieo vần về cuộc đời người đã mất đầu tiên, sau đó mới hát, gieo vần về những chủ đề khác".
Bà Linh Nga Niê Kdăm – Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tây Nguyên cho biết, klei duê có mặt trong tất cả các hoạt động trong đời sống của người Êđê. Klei duê Êđê rất độc đáo, linh hoạt và tạo nên vần một cách đặc biệt, không giống với các luật thơ của các dân tộc khác.
Bà Linh Nga Niê Kdăm nói: “Ngày xưa người ta dùng luật tục để xem xét các tội lỗi tương ứng với các điều trong luật tục. Mà luật tục 2000 câu đều hoàn toàn bằng văn vần. Trong dân ca thì cả điệu Kưt và Eirei đều có vần. Nếu như không nói vần thì không ra bài dân ca. Mà cái vần của người Êđê hay lắm, nó rất là linh hoạt.”
Klei duê mang một giá trị văn hóa độc đáo của người Êđê, đó là giá trị về ngôn ngữ, văn học thơ ca. Những người có thể duê được phần lớn đã cao tuổi, còn giới trẻ ít người có thể duê được. Nếu như không có những kế hoạch bảo tồn và truyền dạy hiệu quả thì giá trị văn hóa đặc sắc này cuả người Êđê sẽ chỉ còn là ký ức trong một thế hệ.