Lợi nhuận năm 2017 chỉ đạt 6 tỷ, Công ty LOD bất ngờ được Hà Nội giao đầu tư dự án BT hơn 1.400 tỷ đồng
Mới đây, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND TP. Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT. Trong đó, dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 được trao cho Liên danh CTCP Phát triển Nhân lực LOD và công ty TNHH Phát triển Bắc Việt làm chủ đầu tư.
Dự kiến tổng vốn đầu tư vào khoảng 1.412 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Nguồn vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác, với phương án thu hồi vốn, bên cạnh đó, dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT sẽ nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8ha thuộc Quy hoạch phân khu S4. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 - 2020.
Trụ sở CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD
Theo tìm hiểu, CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD thành lập năm 1992 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Chủ tịch HĐQT của LOD Corp là ông Vũ Công Bình – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD.
Sau nhiều năm phát triển, doanh nghiệp này đã mở rộng thêm một số lĩnh vực khác, trong đó có kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Tuy nhiên, chiến lược phát triển của công ty vẫn hướng đến việc mở rộng thị phần và thị trường xuất khẩu lao động, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Xây dựng Công ty LOD trở thành một trong những công ty hàng đầu của cả nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Đầu tư có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh doanh khác như du lịch, dịch vụ thương mại, kinh doanh BĐS. Xây dựng Công ty LOD đa ngành nghề... Những lĩnh vực nêu trên không hề dính dáng đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thấy, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu của LOD đạt mức 93,534 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt 6,01 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4,639 tỷ đồng, giảm lần lượt 48,2% và 46,1%.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận thấp, việc đầu tư dự án lên đến 1.400 tỷ khiến nhiều người lo ngại về năng lực của Công ty LOD.
Tính đến ngày 31/12/2017, LOD có vốn điều lệ là 40,937 tỷ đồng, tổng tài sản đạt mức 479,322 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu năm, trong đó, nợ phải trả chiếm đến hơn 37% với 325,884 tỷ đồng.
Với kết quả đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 mới đây của LOD đã nhất trí thông qua phương án phân chia lợi nhuận năm 2017 với việc bổ sung vào các quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng phúc lợi với tổng số tiền là gần 1,564 tỷ đồng, còn lại không chia cổ tức.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu doanh thu ước đạt 71,327 tỷ đồng giảm 23,7% so với con số thực hiện năm 2017, trong khi mục tiêu lợi nhuận trước thuế đi ngang với 6,05 tỷ đồng, dự kiến mức cổ tức tối đa là 5% vốn góp/năm.
Với mức doanh thu và lợi nhuận hạn chế, thậm chí rất thấp, việc Công ty LOD muốn đầu tư dự án BT cho thấy tham vọng muốn sở hữu quỹ đất lớn để chuyển dần sang mảng kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng với nguồn lực có hạn, lại không có kinh nghiệm đầu tư dự án BT, khiến nhiều người nghi ngờ năng lực nhà đầu tư, đồng thời đặt câu hỏi vì sao Hà Nội lại mạo hiểm giao dự án BT nghìn tỷ cho Công ty LOD?
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại