Loạt ngân hàng vào cuộc giảm mạnh lãi suất cho khách hàng chịu thiệt hại vì bão Yagi
Ảnh minh họa |
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Theo báo cáo của NHNN, thống kê từ 20 địa phương số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.
Mới đây, NHNN đã có công gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chi nhánh NHNN tại 35 tỉnh thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh theo quy định, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Sau yêu cầu của NHNN, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Ở khối các ngân hàng thương mại, Eximbank là ngân hàng đầu tiên công bố chương trình ưu đãi lãi suất vay nhằm nhằm đồng hành và chia sẻ với khách hàng trong thời gian phục hồi và ổn định hoạt động kinh doanh sau cơn bão Yagi.
Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank giảm thêm 1 điểm % lãi suất trong tháng đầu tiên, áp dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng cho các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng. Với khoản vay trung và dài hạn, Eximbank miễn lãi suất 0% trong 2 tháng đầu tiên và lãi suất cố định 7,49%/năm cho 10 tháng tiếp theo.
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, Eximbank áp dụng ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, đưa lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4,75%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Ngân hàng ACB cũng quyết định giảm 1-2 điểm % lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. Đồng thời, áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.
Ngân hàng MSB cũng vừa thông báo giảm 1 điểm % lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.
Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%.
Tại VPBank, nhà băng này thông báo giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được giảm 1 điểm %, ngắn hạn hạ 0,5 điểm %. Chính sách này áp dụng từ 13/9 đến hết năm nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái…
Bên cạnh giảm lãi suất vay, VPBank cũng điều triển khai cho vay với lãi suất cực kỳ hấp dẫn chỉ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà.
Tại TPBank, nhà băng này giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bão, lũ đến hết tháng 1 năm sau. Chương trình có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng và ngân hàng nhận đề nghị hỗ trợ từ khách hàng tới hết tháng 10.
BVBank cũng gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng hiện hữu thiệt hại do bão lũ. Đồng thời, tùy vào mức độ thiệt hại do bão lũ, ngân hàng giảm lãi vay đến 2 điểm % một năm, tối đa 3 tháng cho các khách hàng đang vay vốn tại nhà băng. Với khách vay mới, nhà băng này áp dụng mức giảm 0,5 điểm %, tối đa 3 tháng so với lãi vay thông thường.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank cho biết giảm 0,5 điểm % lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.
Đối với Agribank - nhà băng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp - đại diện ngân hàng cho biết có khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ, con số này có thể tăng vì còn nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc... ngân hàng chưa thống kê hết.
"Agribank dự kiến sẽ giảm 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại", vị đại diện này cho biết.
Tại cuộc họp mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lúc này ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 190.358 ha lúa bị ngập, hư hại chủ yếu ở Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội... Trên 48.720 ha hoa màu bị ngập úng, trong đó Hà Nội 11.678 ha, Nam Định 3.800 ha, Hải Phòng 3.321 ha. Cùng với đó, 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.
Lãi suất gửi tiền kỳ hạn dài đã cán mốc 6,9%-7,4%/năm Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đã lên mức 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. |
Ngân hàng Nhà nước “bơm” thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng “hạ nhiệt” Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của Nhà điều hành đã phát huy tác dụng khi lãi suất liên ngân hàng đang dần “hạ nhiệt”. |