Lo ngại biến tướng trong dâng sao giải hạn
Nơi công khai dâng sao, nơi đăng sao
Địa điểm nổi tiếng và công khai đăng thông tin nhận dâng sao giải hạn, tổ chức khóa lễ cầu an là tổ đình Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa). Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày mùng 1 tháng Giêng, tại khu vực nhà Tổ của đình Phúc Khánh, dãy bàn kê ra nhận đăng ký dâng sao giải hạn, cầu an cho khách lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Vì số lượng đông nên khi chị Thanh Hương (quận Thanh Xuân) vào đăng ký cũng không nhìn được danh sách gia đình mình thuộc quyển số bao nhiêu. Nhiều người quen đăng ký dâng sao ở đây đã nhanh chóng điền tờ giấy đăng ký, nộp tiền và ra về để đến lượt người khác. Nhiều người đến lần đầu được các vãi hướng dẫn tận tình, nhưng cũng không thể chiếm nhiều thời gian, vì người xếp hàng đăng ký còn dài. Giá cho một khóa lễ cầu an của mỗi gia đình vẫn như năm ngoái: 300.000 đồng/gia đình, giải sao xấu dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/sao.
Phật tử đi lễ tại chùa Phúc Khánh. (Ảnh: Hải Linh)
Chùa Một Cột, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc tuy không phải các điểm dâng sao như tổ đình Phúc Khánh, nhưng cũng được bố trí một dãy bàn đón tiếp ở khu vực nhà khách để nhận đăng ký làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình”. Dự kiến, từ 15 giờ chiều nay, an ninh của các khu vực nhà chùa sẽ được huy động tối đa để phục vụ cho khóa lễ diễn ra vào 19 giờ. Riêng khu vực tổ đình Phúc Khánh, quận Đống Đa phải bố trí hơn 700 người đảm bảo công tác an ninh cho khóa lễ. Ngoài ra, từ ngày Rằm đến 23 tháng Giêng, các khóa lễ giải hạn cho các sao Thái Bạch, Kế Đô, La Hầu… cũng thu hút một lượng lớn Phật tử tham gia.
Dấu hiệu bất thường
Rất nhiều trung tâm nghiên cứu điều tra xã hội học nhận định, trào lưu đổ xô đi dâng sao giải hạn là dấu hiệu bất thường của xã hội. Nhiều năm, các chuyên gia văn hóa, các nhà tu hành đều lên án, song việc dâng sao giải hạn vẫn không giảm bớt. Cho dù Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này. Tục dâng sao giải hạn là những tồn tại từ lâu đời trong dân gian. Nó nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão tử của Trung Quốc. Nghi lễ này quan niệm trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).
“Trước đây chỉ có đình, đền thực hiện nghi thức này. Sau này, Phật giáo tiếp nhận dưới nghi thức làm lễ cầu an cho gia đình Phật tử được an lạc, hạnh phúc. Như vậy nhà chùa chỉ là một “phương tiện” để giúp con người được an cái tâm và “phương tiện” chỉ là nhất thời, bản chất nó là ước nguyện cầu an của con người” – Thượng tọa Thích Đức Thiện giải thích. GS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng mỗi năm người Việt có quan niệm gặp các sao tốt phải cúng đón, gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái. Nhưng đó cũng chỉ là quan niệm, chưa ai có thể khẳng định đó là nghiên cứu đúng đắn.
Các cơ quan quản lý giải thích và tuyên truyền nhiều năm, nhưng phong trào dâng sao giải hạn vẫn không thay đổi. Rất có thể, sau công văn yêu cầu bỏ tục đốt vàng mã ở các nơi thờ tự của Phật giáo, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có công văn nhắc nhở, yêu cầu các sư trụ trì lấy giáo lý nhà Phật để răn dậy các tín đồ thực hiện nghi lễ sao cho vừa đủ, không lãng phí và đúng với giáo lý truyền thống. Bởi để giảm bớt hiện tượng bất thường này không thể bằng quy định của Nhà nước mà phải bằng tuyên truyền, định hướng để người dân tự giác thực hiện.
Nhật Vũ