Liên minh châu Âu quan ngại về bất ổn trên Biển Đông gần đây
Bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh EU. Ảnh: radio.gov.pk |
Bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh EU Federica Mogherini trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/8 nêu rõ: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và suy yếu môi trường an ninh hàng hải, điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực".
"Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để trở lại nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại tương ứng của họ, nếu thấy hữu ích", thông cáo nêu.
EU cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các quá trình do ASEAN dẫn đầu trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba.
EU mong chờ mong muốn các bên sớm hoàn tất, trên tinh thần minh bạch, các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý. EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Tuy không nhắc đến Trung Quốc, nhưng tuyên bố của EU nêu rõ "các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và suy yếu môi trường an ninh hàng hải". Có thể thấy, các hành động "hung hăng" như quân sự hoá, tập trận, đặc biệt là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc đã gây căng thẳng trên Biển Đông trong gần 2 tháng qua.
Các hành động "hung hăng" như quân sự hoá, tập trận, đặc biệt là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam đã gây căng thẳng trên Biển Đông trong gần 2 tháng qua |
Bên cạnh Việt Nam, Malaysia và Philippines cũng đang bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10-27/5/2019, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò. Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.
Đối với trường hợp của Philippines, dữ liệu theo dõi hàng hải do chuyên gia Ryan Martinson, giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, công bố hồi đầu tháng 8/2019 cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian xuất hiện ở khu vực chỉ cách bờ biển phía đông Philippines khoảng 80 hải lý. Ngoài tàu khảo sát, các tàu chiến Trung Quốc cũng nhiều lần âm thầm đi qua eo biển Sibutu thuộc lãnh hải Philippines mà không thông báo trước. Các tàu chiến Trung Quốc được cho là tắt hệ thống nhận dạng tự động để tránh bị Manila phát hiện.
Lâu nay, giới phân tích đã chỉ ra một trong những ý đồ của Trung Quốc là muốn cưỡng ép các bên khác đồng ý thỏa thuận song phương chấp nhận khai thác chung tại cả những vùng không tranh chấp nhưng bị Bắc Kinh tự ý đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.
Những hành vi gây hấn của Trung Quốc không chỉ vi phạm UNCLOS 1982 mà còn vi phạm cam kết của họ với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Theo văn kiện được Trung Quốc ký với các quốc gia ASEAN ngày 4/11/2002, Trung Quốc đã đưa ra cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.
Trước đó, vào đầu tháng 8, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/8, bà Federica Mogherini, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, cũng chia sẻ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
"Tôi muốn chia sẻ quan điểm và quan ngại của EU về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng căng thẳng này, việc quân sự hóa ở khu vực không đóng góp cho sự phát triển hòa bình", bà Federica Mogherini nói.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU luôn ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không, coi đây là lợi ích của tất cả các quốc gia. EU cũng ủng hộ sự minh bạch trong đàm phán để có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc về pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN.
Hội Luật quốc tế Việt Nam gửi thư ngỏ cho Trung Quốc về Biển Đông Hội Luật quốc tế Việt Nam đã gửi thư ngỏ cho Trung Quốc, khẳng định những hoạt động của tàu Hải Dương 8 ở vùng ... |
Tàu khu trục Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông Tàu khu trục tên lửa USS Wayne E.Meyer đã đi vào phạm vi 12 hải lý trong khu vực hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc ... |
Quân đội Mỹ trả lời khi Trung Quốc có động thái không chuẩn mực ở Biển Đông Quân đội Mỹ đã đưa ra lời cảnh cáo đặc biệt đanh thép đối với Bắc Kinh sau khi một máy bay trinh thám của ... |