Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Thượng gồm những gì?
Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn hàng năm của người Việt. Trong ngày này, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà các hoạt động văn hóa, tâm linh còn được tổ chức ở khắp mọi nơi trên cả nước.
Ảnh minh họa |
Theo hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương cần phải có:
- 18 cái bánh dày
- 18 cái bánh chưng
- Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả
Trong đó, con số 18 đại diện cho 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước. Theo quan niệm dân gian, hai loại bánh trên tuy đơn giản nhưng ẩn chứa ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Cụ thể, bánh dày có hình tròn, thuộc hệ dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, có thể giãn nở mọi phía, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân. Trong khi đó, bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, có góc cạnh, hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất đai, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh đãi vỏ.
Sự đối lập giữa âm và dương, trời và đất, vuông và tròn nói lên biết bao điều tốt đẹp của dân tộc, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa vợ chồng son sắc, đó là công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn lao của cha mẹ.
Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý “Nõ – Nường – Chày – Cối – Chưng – Dày”, hai hình ảnh trên còn biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Theo đó, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên. Cha Rồng mẹ Tiên chính là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.
Ngoài những lễ vật nêu trên, mâm cúng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương ở các địa phương còn có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà trống thiến luộc, thịt bò, thịt dê và thịt heo đen...