Lễ hội Thái bình xướng ca - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trao Chứng chận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Thái bình xướng ca (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). |
Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản nhấn mạnh, việc Lễ hội Thái bình xướng ca được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vụ Bản. Đây cũng là cơ sở pháp lý và khoa học khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản đề nghị, Đảng bộ và nhân dân xã Thành Lợi, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đồng thời cùng với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi một số hoạt động trong lễ hội xưa; tiếp tục bảo vệ, giữ gìn không gian nơi tổ chức lễ hội, đề xuất những giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy, gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch. Song song với đó, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân dân và các nghệ nhân nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.
Lễ hội Thái bình xướng ca với ý nghĩa mừng đất nước thái bình được nhân dân thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tổ chức 3 năm một lần vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi. Thời gian tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng Ba âm lịch. Trong lễ hội có các hoạt động như dựng đình đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, hát trống quân, đánh cờ đèn, tam cúc, tổ tôm điếm… tái hiện các hoạt động của nhân dân làng Gạo trước kia, thôn Quả Linh ngày nay góp công, góp sức vận chuyển lương thực cho quân dân nhà Trần, giúp nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII.
Tiết mục văn nghệ chào mừng tại lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Thái bình xướng ca. |
Đây là lễ hội tiêu biểu đặc trưng của văn hóa thời Trần tại Nam Định. Các hoạt động trò chơi trong lễ hội đều được tổ chức trên sông nước, tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược. Nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ tập trung tại Đám Hát vào ngày đầu tiên của lễ hội được người dân ví như hội nghị Diên Hồng, hội nghị biểu dương tinh thần “Sát Thát” của quân dân nhà Trần nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức nên giặc phải đầu hàng”. Trong lễ hội còn có sự xuất hiện của song long, rồng vàng và rồng xanh (rồng vàng là biểu tượng vua Trần, rồng xanh biểu tượng cho tầng lớp nhân dân) mang ý nghĩa thể hiện chính sách “thân dân”, “dĩ dân vi bản” của nhà Trần.
Lễ hội thái bình xướng ca mang những đặc trưng tiêu biểu nhất cho văn hóa dân gian, trong đó văn hóa làng gắn kết, hòa quyện với văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình trở thành những giá trị truyền thống, thể hiện bản sắc của quê hương. Các hoạt động trong lễ hội thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư; đặc biệt cư dân nông nghiệp lúa nước.
Ngoài Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận, Nam Định hiện có 11 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Hát ca trù; nghi lễ chầu văn của người Việt; Lễ hội Phủ Dầy; Lễ hội Đền Trần; Lễ hội chùa Keo Hành Thiện; Lễ hội đền thờ đức Thánh tổ Tống Xá; Lễ hội Chùa Đại Bi; Lễ hội đền - chùa Linh Quang; Nghề sơn mài Cát Đằng; Lễ hội Chùa Cổ Lễ và Lễ hội Thái bình xướng ca.
Theo Nguyễn Lành (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/le-hoi-thai-binh-xuong-ca-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20230428145136107.htm