Lễ hội độc đáo về văn hoá thổ cẩm Việt Nam
Sáng 11/12, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo tại Hà Nội nhằm giới thiệu về Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2019.
Tham dự họp báo, có đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông, đại diện các nhà tài trợ cùng đông đảo báo giới.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu tại buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, BTC cho biết: Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia từ ngày 5 - 7/1/2019, dưới sự phối hợp của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Đắk Nông.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông. Đồng thời giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Phát biểu họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Cũng như thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước, thổ cẩm của tỉnh rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc, hoa văn, bố cục đường nét và giàu tính biểu tượng các giá trị nhân văn.
Đại diện BTC trả lời câu hỏi của các phóng viên, nhà báo.
Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía Nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong phương tiện biểu đạt. Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển - bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, văn hóa thổ cẩm Đắk Nông cũng như các địa phương khác đang đứng trước nguy cơ mai một. Đắk Nông đang nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa thổ cẩm qua nhiều hoạt động: Mở các lớp dạy nghề, tổ chức hội thi dệt, thi trình diễn trang phục thổ cẩm, tập huấn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, hướng dẫn phụ nữ dệt hoa văn truyền thống trên chất liệu hiện đại…
Á hậu 1 HHVN 2018 Bùi Phương Nga (phải) và Hoa hậu Áo dài Phí Thùy Linh duyên dáng trong trang phục họa tiết thổ cẩm.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam cũng nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng.
“Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm còn nhiều hạn chế, vì vậy thông qua hoạt động của lễ hội sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm và định hướng tạo thành một nghề bền vững có vị trí trong xã hội” - bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nói thêm.
Đến với lễ hội, du khách còn có dịp đắm mình trong những truyền thuyết, sử thi của các dân tộc thiểu số; xem trình diễn trang phục thổ cẩm ứng dụng; khám phá không gian trưng bày thổ cẩm, không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm, không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc, không gian phục dựng nghi lễ truyền thống lồng vào các dân tộc thiểu số, triển lãm công viên địa chất Việt Nam.
Một số mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ thổ cẩm được trình diễn tại sự kiện.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, BTC đã cho trình diễn các bộ trang phục ứng dụng được khơi nguồn cảm hứng từ thổ cẩm của những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam. Những mẫu thiết kế hài hòa tinh tế, nhưng không kém phần mạnh mẽ hiện đại đầy quyến rũ đã chứng minh sức sống mạnh mẽ, khả năng ứng dụng cao của sản phẩm thổ cẩm.
Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2018 sẽ có sự tham dự của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Tại hội nghị, tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư , ký kết biên bản hợp tác đầu tư, ký kết biên bản hỗ trợ vốn cho các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, với tổng vốn đầu tư cam kết hơn 92.000 tỷ đồng.
Thổ cẩm là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Đắk Nông
Thổ cẩm - một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật và hội họa, sử dụng màu sắc - chính là nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng 40 dân tộc đang cư trú tại Đắk Nông.
Thổ cẩm nơi đây được dệt thủ công, màu sắc được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên với nhiều phương pháp chế biến kỳ công nhằm giữ cho sản phẩm có được độ bền về chất liệu và màu sắc. Thổ cẩm của tỉnh Đắk Nông rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc, hoa văn, bố cục đường nét và giàu tính biểu tượng các giá trị nhân văn.
Riêng khâu dệt cũng đã trải qua rất nhiều bước: Dệt khung, chọn màu và cuối cùng là dệt. Với những chiếc khung cửi bằng tre, nứa có sẵn, những tấm vải thổ cẩm đường nét và màu sắc tinh tế dần được hình thành không chỉ bằng bàn tay khéo léo mà ẩn chứa bên trong là cả tâm hồn của người thợ dệt.
Trọng Sang