Lao động về nước trước hạn được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề: Chính sách nhân văn
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng triển khai nhiều hoạt động đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động hồi hương hoà nhập thị trường trong nước. |
Nắm bắt được nguyện vọng này, ngoài tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu cho lao động hồi hương, Quỹ cũng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động để tiếp tục hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Cụ thể khi người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.
Vào giữa tháng 11/2022, Hà Nội, Bắc Ninh và Thanh Hóa đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến dành cho người lao động EPS và thực tập sinh chương trình IM Japan đã về nước nhằm tạo cơ hội cho các lao động này. Sự kiện thu hút gần 60 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng 4.235 lao động thuộc lĩnh vực sản xuất, còn lại là thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin, may mặc với mức lương từ 10-20 triệu đồng…
Thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội cho thấy, trong năm 2021 và 2022, đã có 62 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về và kết nối cung - cầu. Các hội chợ, phiên giao dịch việc làm đã thu hút gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động. Ngoài ra có gần 1.100 lượt người lao động phỏng vấn tìm việc tại 59 doanh nghiệp, gần 740 người lao động tìm được việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm...
Người lao động được khám sức khoẻ kỹ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Nhận xét về quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động phải về nước trước hạn theo Quyết định 40, trao đổi trên báo chí, ông Ngô Bá Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu cho rằng đây là một chính sách nhân văn.
"Khi đi làm việc ở nước ngoài không cứ người lao động mà các doanh nghiệp đều mong muốn người lao động có được công việc và thu nhập tốt. Song vẫn có những rủi ro không mong muốn như: Phải về nước trước hạn vì đối tác phá sản, yếu tố sức khỏe, rủi ro do tai nạn lao động. Khi xảy ra những rủi ro này, người lao động đều mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để tìm kiếm công việc mới tại quê hương cũng như tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở thị trường khác", ông Ngô Bá Quyết nói.
Vì vậy, việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống là một chính sách rất cần thiết và có ý nghĩa với người lao động.
Thực hiện Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) vừa hỗ trợ anh Nguyễn Hải Nam (35 tuổi, ở Thanh Hóa) - từng đi làm việc tại Nhật Bản phải về nước trước thời hạn, học nghề lái xe để chuyển đổi nghề. Với mức hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là 6 triệu đồng/tháng, anh Nam có được khoản tiền để đóng học phí và tìm kiếm việc làm mới sau khi về nước.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. |