Lãnh đạo doanh nghiệp "dở khóc dở cười" khi bị cấm xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế
Lãnh đạo doanh nghiệp "dở khóc dở cười" khi bị cấm xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế |
Nợ ít hay nhiều đều bị cấm xuất cảnh
Thời gian qua, đã có khá nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan hải quan và cục Thuế các địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc… phát thông báo đến Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Điều đáng nói, có những khoản nợ thuế cách đây gần 15 năm, doanh nghiệp đã ngưng hoạt động thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bị áp dụng hoãn xuất cảnh. Hay nhiều trường hợp nợ số tiền thuế rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh và điều này ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Đơn cử như, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV vừa gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977.222 đồng tiền thuế.
Hay trước đó, vào tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế hơn 1.000.000 đồng tiền thuế.
Các biện pháp cưỡng chế thuế này hiện được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020.
Tuy nhiên, nhà chức trách không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Việc này dẫn tới nhiều trường hợp người dân nợ thuế chỉ 1-2 triệu đồng nhưng không hề hay biết cho tới khi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng đã là quy định pháp luật thì dù nợ thuế vài trăm ngàn đồng hay hàng tỷ, đều phải áp dụng các quy định như nhau.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần phải có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này, ví dụ như tăng ngưỡng áp dụng mức nợ thuế là bao nhiêu thì mới cấm xuất cảnh vì không doanh nghiệp nào trốn vài trăm nghìn tiền thuế, hoặc cơ quan thuế phải làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh.
Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cũng cho rằng, luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Nhưng trong thực thi, cần đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa. Rất khó thuyết phục khi một doanh nghiệp nợ chưa tới 1 triệu đồng tiền thuế mà để lãnh đạo công ty đó bị hoãn xuất cảnh.
Trước đây, từ năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất kinh doanh từ 1 tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện tại quy định này chưa được áp dụng.
Tiếp tục tăng cấm xuất cảnh để thu hồi nợ thuế
Tại công văn mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thu ngân sách Nhà nước năm 2024 cho biết, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng cao, đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, thuê đất.
Năm nay, Chính phủ yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.
Để thu hồi nợ, ông Phớc yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin nhằm kịp thời có biện pháp cưỡng chế. Theo đó, người nộp thuế chây ỳ sẽ bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngành thuế cũng được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.
Những trường hợp nợ thuế bị cấm xuất cảnh Theo Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định một số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, Khoản 5, Điều 36 quy định việc tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ngoài ra, Khoản 1, Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cũng quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. |
Bộ trưởng Tài chính: Gần 43 nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi trên thực tế là 42.990 tỷ đồng. |
Quảng Bình: Bêu tên 79 DN nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp chây ỳ về nợ thuế. Trong "danh sách đen" nợ thuế xuất hiện hàng loạt tên công ty với tổng số "nợ khủng" lên đến hàng trăm tỷ đồng. |