Làng thúng chai ven biển ở Quảng Nam với ngón nghề kỳ công
Đề nghị Đà Nẵng báo cáo vụ “21 trường hợp sở hữu đất liên quan người Trung Quốc” |
Những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam |
Dân đảo Lý Sơn ồ ạt bán đất ven biển |
Thuyền thúng trên bờ sau trận bão |
Hàng trăm thúng chai thành phẩm ở làng Hà Bình (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) được người dân dựng bên hiên nhà, trước sân để xuất bán. Với nhiều người dân làng Hà Bình, đan thúng chai là nghề cha truyền con nối đxa có tuổi đời vài trăm năm qua. Nghề này tuy không làm giàu, nhưng giúp người dân nơi đây có cái ăn, có việc làm quanh năm.
Trước đây, làng này có gần 100 hộ làm nghề đan thúng chai, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, do nghề đan thuyền thúng dần mai một, đến nay, trong làng chỉ còn khoảng 10 hộ dân giữ nghề. Dẫu vậy, nghề này cũng mang lại thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Những chiếc thuyền thúng đang đan dở dang tại làng Hà Bình |
Ông Trần Công Như (80 tuổi làng Hà Bình) đã gắn với nghề đan thúng chai nhiều mấy chục năm liền. Công việc của ông không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề ở địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình.
Từ một khuôn đất nhỏ trong sân nhà, các hộ gia đình đan thúng chai đã “quy hoạch”, sắp xếp gọn để có chỗ làm nghề. Ông Trần Công Như cho biết, để làm được một chiếc thúng chai phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận ở từng khâu.
Thuyền thúng được sử dụng để đi biển, câu mực hoặc phục vụ du lịch |
Trước hết, người thợ chặt tre phải chuyên nghiệp, chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao.
Đan xong rồi lận vành. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng, chắc. Khi lận vành thúng, người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ. Sau lận là dùng dây cước nức vành.
Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Tùy theo từng người dùng mà nước quét dầu rái cũng không giống nhau nhưng thông thường phải trét bên trong ba nước, bên ngoài ba nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo.
Sau mỗi mùa đi biển, người dân lại kéo thuyền lên bờ để bảo trì |
Ông Trần Trung (65 tuổi), một người làm nghề đan thúng khác cho biết hiện tại đa số người lớn tuổi như ông mới theo nghề, những người trẻ không ai mặn mà vì công việc thu nhập không cao lại khá vất vả: “Làm thúng chai tuổi nghề không quan trọng bằng kỹ thuật. Tiếp xúc với tre thường xuyên nên đôi tay của những người thợ chai sạn. Trong lúc làm việc bị tre cắt da chảy máu, dằm đâm là chuyện bình thường. Nhiều khi, những người lâu năm làm thúng có độ chắc và thẩm mỹ không sắc sảo bằng những người có hoa tay, tỉ mỉ. Trong các công đoạn làm thúng thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng, thẩm mỹ mới thành công vì một chiếc thúng rất to khó có thể lận cho vành được tròn đều”.
Thuyền rộng hơn 5 m2, nhìn ngoài có hình thức đơn giản nhưng thuyền thúng có thể chịu đựng được nước biển để phục vụ ra khơi từ 3 đến 5 năm.
Mỗi chiếc thuyền thúng được dùng trong nhiều hoạt động |
Hiện tại, giá mỗi chiếc thúng chai bán ra thị trường dao động từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng, có khi lên đến 10 triệu đồng, theo đơn đặt hàng, tùy vào kích cỡ và tùy vào số nan. Đây không chỉ là phương tiện của ngư dân đi biển mà nó còn phục vụ các hoạt động du lịch vùng sông nước như ở rừng dừa Cẩm Thanh - Hội An.
Ông Trần Công Như cho biết, tất cả những người thợ làm thúng ở làng Phú Mỹ đều có chung một quan điểm đặt chữ tín lên hàng đầu. Trước khi bán thúng cho khách thì người thợ kiểm tra kỹ, phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ cũng sửa đến hoàn hảo mới giao cho khách.