Đề nghị Đà Nẵng báo cáo vụ “21 trường hợp sở hữu đất liên quan người Trung Quốc”
Chiều 20/9, thông tin với PV Dân trí, một lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đã cử cán bộ vào Đà Nẵng để nắm thông tin “21 trường hợp sở hữu đất ven biển có liên quan người Trung Quốc” đang gây xôn xao dư luận.
Được biết, sau khi báo chí phản ánh thông tin, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng báo cáo chi tiết sự việc và sao lưu 21 sổ đỏ đã cấp gửi về cơ quan này.
Khu đất ven biển gần sân bay Nước Mặn (Ảnh minh họa). |
Theo Khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014, các cá nhân, tổ chức người nước ngoài chỉ được đầu tư nhà ở tại Việt Nam hoặc thuê, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế nhà ở thương mại (căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư nhà ở.
Luật Đất đai năm 2013 quy định tại điều 5, các cá nhân, tổ chức người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Trước đó (19/9), tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nói có 21 trường hợp trong quá trình khai thác sử dụng đất ở khu vực sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bằng hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn, có liên quan đến người Trung Quốc. Ngay lập tức thông tin này gây xôn xao dư luận.
Đến sáng ngày 20/9, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, cử tri cũng đặt câu hỏi đề nghị giải thích rõ thông tin “21 trường hợp sở hữu đất ven biển có liên quan người Trung Quốc” như lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã phát biểu trước đó.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng (Ảnh: Tâm An). |
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng khẳng định: Chính xác ở quận Ngũ Hành Sơn có 20 trường hợp doanh nghiệp trong nước có giấy đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất với 20 lô đất.
Các doanh nghiệp này có cổ phần của người Trung Quốc. Những người nước ngoài này không nắm đủ cổ phần để nắm quyền chi phối. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp trong nước chiếm 51% nên quyền chi phối vẫn thuộc doanh nghiệp trong nước.