Lan toả tình hữu nghị Việt - Lào từ “tiết học biên giới”
Học chủ quyền bên cột mốc thiêng liêng
Sáng sớm một ngày trung tuần tháng 11, bên cột mốc biên giới 591 thiêng liêng, hàng trăm em học sinh trường Tiểu học - THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) cùng trường Tiểu học - THCS Dân tộc nội trú La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) đã có một tiết học đặc biệt - tiết học biên giới.
Vùng biên ải nắng oi nồng từ sáng sớm nhưng không làm các em học sinh hai nước sao nhãng bài giảng từ những người thầy giáo quân hàm xanh… Bởi tham gia lớp học, các em được tiếp nhận những kiến thức hữu ích về quyền lợi, trách nhiệm của cư dân vùng biên. Bên cạnh đó là các kỹ năng nhận biết vùng cấm, đường biên, cột mốc biên giới, những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới.
Các em học sinh trường Tiểu học - THCS Dân tộc nội trú La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) tham gia lớp học tại cột mốc biên giới 591. (Ảnh: H.Việt) |
Đặc biệt, tại lớp học, Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập và Thiếu tá Kẹo Lợt Ma, Chính trị viên Đại đội Biên phòng 321 đã chia sẻ về hoạt động phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới và hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ giữa hai đơn vị thời gian qua. Trong mỗi câu chuyện được kể đều thể hiện sâu sắc tình cảm thủy chung, sự đoàn kết gắn bó, tinh thần “kề vai sát cánh” giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.
Đứng bên cột mốc 591, vừa nghe thầy giáo biên phòng giới thiệu về cột mốc/đường biên, em Hồ Thị Bé Trường TH&THCS Hướng Việt cho biết: Qua tiết học biên giới em hiểu thêm về chủ quyền đất nước, biết được đâu là ranh giới của nước bạn Lào, đâu là của Việt Nam. Chúng em cũng hiểu rằng không nên tuỳ tiện qua lại hai bên biên giới, không kết hôn phạm pháp... Chúng em hiểu việc bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ của mọi người dân Việt Nam”.
Em Nang Đê, học sinh trường THCS Dân tộc nội trú La Cồ chia sẻ: "Em rất vui khi được gặp gỡ các bạn học sinh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên em được tham gia tiết học ý nghĩa tại cột mốc biên giới. Tiết học giúp em hiểu thêm về cột mốc chủ quyền. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp và ý nghĩa đối với bản thân em và các bạn trong trường".
Được biết, đây là tiết học biên giới đầu tiên tại cột mốc 591 có sự tham gia của các em học sinh hai nước Việt Nam - Lào.
Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Quảng Trị) tổ chức buổi ngoại khóa Tiết học biên giới tại cột mốc biên giới quốc gia 597 cho 60 cháu học sinh khối tiểu học trên địa bàn thị trấn Khe Sanh. (Ảnh: Bích Liên) |
Bài học thiết thực về tình hữu nghị
Những tiết học đặc biệt này giúp các em học sinh hai nước hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới. Với kiến thức có được, học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Các em cũng hiểu biết thêm về công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, từ đó vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mô hình “Tiết học biên giới” được các chiến sĩ Biên phòng các tỉnh các tỉnh Kon Tum, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... tổ chức trong nhiều năm qua và đã có hàng chục ngàn lượt học sinh tham gia.
Những tiết học ban đầu là giảng dạy tại các lớp để học sinh hiểu về Luật Biên giới cũng như các kiến thức về đường biên, cột mốc. Sau đó mô hình phát triển hơn, đồn biên phòng cùng các thầy cô tổ chức cho học sinh lên thực địa để hình dung, dễ tiếp thu và chứng kiến ngay các hoạt động của bộ đội biên phòng.
Trong giờ học tại cột mốc, học sinh đã được quan sát trực quan, tham gia nghi lễ chào cờ tại cột mốc, tìm hiểu các hoạt động kiểm tra do tổ tuần tra cột mốc gồm cán bộ, chiến sĩ biên phòng thực hiện.
Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các em đã được cán bộ, chiến sĩ đứng lớp tận tình giải đáp. Sau đó, cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia chuyên đề vệ sinh cột mốc. Nhiều em học sinh lần đầu tiên được trải nghiệm tiết học đặc biệt bổ ích, lý thú này tỏ ra rất hào hứng.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Tuấn, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, các tiết học biên giới là việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó Việt Nam - Lào.
Những bài học từ thực địa không chỉ giúp học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ để từ đó tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.