Lạm phát quá cao, Venezuela rơi vào tình trạng thiếu bao cao su trầm trọng
Khi nhà báo Mariana Zuniga tại Caracas tìm kiếm mặt hàng bao cao su, cô nhanh chóng nhận ra rằng sản phẩm này đang dần khan hiếm và trở thành một loại hàng xa xỉ ở Venezuela. Sau nhiều giờ mất công tìm kiếm, chỉ duy nhất một cửa hàng còn thừa lại 7 hộp. Thế nhưng, giá của chúng cũng không hề rẻ chút nào, mỗi chiếc bao cao su có giá tới hơn 1 triệu Bolivar. Mức giá này là quá xa xỉ so với mức lương tối thiểu 3 triệu Bolivar của người dân nơi đây.
Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã nâng mức lương tối thiểu của người dân lên 3.500% vào đầu tháng 8 để ra con số 3 triệu Bolivar, nhưng chúng cũng chẳng giúp gì cho người dân trước tình hình siêu lạm phát cũng như khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
"Chúng tôi đang gặp khủng hoảng kinh tế và điều đó gây ra tình trạng thiếu thốn nhiều thứ, bao gồm cả bao cao su cũng như những biện pháp tránh thai khác", cô Zuniga nói.
Kể từ năm 2013 đến nay, nền kinh tế Venezuela đã suy giảm tới hơn 30%, siêu lạm phát bùng nổ, vật giá tăng phi mã còn đồng nội tệ thì mất giá chả khác gì đống giấy lộn. Tại Venezuela, vất giá leo thang 100% qua bình quân mỗi 26 ngày, khiến người dân phải mang hàng kg tiền đi mua chợ.
Hàng triệu người Venezuela đã phải rời bỏ quê hương để tràn sang những quốc gia láng giềng khác như Colombia để sinh sống cũng như tìm kiếm lương thực, thuốc men, tạo nên một cuộc khủng hoảng di cư mới ở Châu Mỹ Latinh. Đối với những người ở lại, họ phải vật lộn với sự thiếu thốn nhu yếu phẩm hàng ngày và những vấn đề tưởng chừng cơ bản như tình dục cũng đã trở thành xa xỉ với mọi người.
Tình dục là thứ xa xỉ
Khủng hoảng kinh tế khiến người dân Venezuela trữ hàng nhiều hơn và chúng càng đẩy vật giá leo thang. Chính điều này khiến mọi người gặp thiếu thốn hơn nữa về nhu yếu phẩm cũng như thay đổi cách sinh hoạt trong xã hội, ví dụ như tình dục.
Theo nhà báo Zuniga, rất nhiều người đã cố gắng sử dụng những biện pháp phòng tránh tạm thời mà thời xa xưa hay áp dụng, thậm chí nhiều biện pháp được cho là mang tính mê tín dị đoan. Hậu quả là tỷ lệ mang thai, nhiễm các bệnh về đường tình dục tăng cao ở Venezuela.
Tồi tệ hơn, do bao cao su và những viên thuốc tránh thai trở nên quá đắt đỏ nên ngày càng nhiều người dân triệt sản để tiết kiệm chi phí ngừa thai. Theo cô Zuniga, một trung tâm triệt sản ở Caracas đã thực hiện 400 ca vào năm 2017 thì con số này đã nhanh chóng đạt được khi mới chỉ tính đến tháng 5/2018. Mỗi ngày, trung tâm này phải tiếp tới 40 ca triệt sản và danh sách chờ còn có tới 500 phụ nữ muốn thực hiện biện pháp này.
Trước đây, hầu hết phụ nữ triệt sản có tuổi trên 30 và ít nhất 3 đứa con, nhưng nay ngay cả những cô gái 19-20 cũng đến thực hiện biện pháp này. Một số không đủ điều kiện để nuôi con, số khác không đủ tiền mua các biện pháp tránh thai trong khi vài người chỉ đơn giản là quá tuyệt vọng vào tương lai.
Chính phủ Venezuela bị chỉ trích là đã gây ra cuộc khủng hoảng này do quản lý nền kinh tế yếu kém, phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Việc không đủ ngoại tệ cho nhập khẩu cũng như in thêm tiền để chi tiêu càng khiến lạm phát tăng cao. Mới đây nước này đã đổi tiền mới nhiều người cho rằng chúng chẳng giúp ích được gì nhiều bởi mọi người không còn tin vào khả năng thanh toán của chính phủ.
Hầu hết các cửa hàng hiện nay chỉ muốn nhận đồng USD hoặc vật đổi vật, ví dụ như dùng trứng gà để đổi các nhu yếu phẩm khác.
Tất nhiên Venezuela không phải là nước duy nhất trong lịch sử từng chịu cảnh siêu lạm phát. Năm 1923, Đức cũng từng chung số phận sau khi thất bại trong Thế chiến I, còn Zimbabwe đã từng chịu khổ như vậy vào cuối thập niên 2000.
Tuy nhiên, có lẽ Venezuela là nước gần đây nhất được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán lạm phát sẽ đạt 1.000.000% vào cuối năm nay.
AB