Lâm Hà: Khi phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin chia sẻ về sức khoẻ sinh sản
Plan International Việt Nam cam kết hỗ trợ 16 tỷ đồng bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước COVID-19. |
Nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số rất ít người độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt 99% |
Chị em phụ nữ dân tộc Dao tại thôn Bằng Sơn, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng sinh hoạt cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có diện tích gần 100.000 ha, dân cư 150.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 23%. Trước kia tỷ lệ đói nghèo chung của huyện chiếm 10%, tỷ lệ này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 20%.
Từ năm 2012, tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đã có mặt tại huyện Lâm Hà và phối hợp với UBND huyện triển khai 5 chương trình, dự án với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng. Trong đó dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” (EC4) bắt đầu từ năm 2017 tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng – là 2 xã vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn của huyện Lâm Hà.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) Đinh Đức Trí cho biết: Từ khi triển khai, EC4 đã góp phần thay đổi nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục (CSSKSS&TD) cho phụ nữ, thanh niên, giúp huyện Lâm Hà ngày càng phát triển. Cụ thể, đến nay tỷ lệ đói nghèo huyện Lâm Hà chỉ còn 3,8%, trong vùng đồng bào dân tộc còn 5,8%.
Nâng cao ý thức CSKSS cho đồng bào dân tộc thiểu số
Băng qua những con đường đất quanh co, chúng tôi đến thôn Bằng Sơn, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trong một chiều cuối tháng 5. Tại đây, một nhóm phụ nữ dân tộc Dao đang trò chuyện, chia sẻ sôi nổi về CSSKSS.
Đây là điều khá bất ngờ bởi đa số phụ nữ, nhất là các chị em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thường tâm lý ngại ngùng, suy nghĩ đơn giản trong việc CSSKSS&TD.
Chị Nông Thị Pham (phải) cùng chia sẻ về các biện pháp CSSKSS theo tờ hướng dẫn của tổ chức ActionAId. |
Một phụ nữ trong nhóm, chị Nông Thị Pham cho biết các chị đang sinh hoạt nhóm phát triển cộng đồng, thuộc dự án EC4.
Kể từ khi triển khai vào tháng 7/2017, EC4 thành lập nhóm phát triển cộng đồng tại mỗi xã địa bàn dự án, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Họ được tập huấn, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ và nâng cao SKSS cho bản thân, tìm hiểu các phương pháp kế hoạch hóa gia đình…
Đến nay, chị Nông Thị Pham cùng các thành viên đã hoạt động nhóm được gần 3 năm. Hàng tháng, nhóm đều tổ chức sinh hoạt một lần.
“Kể từ khi tham gia nhóm, tôi và mọi người học hỏi được rất nhiều điều. Các thành viên cùng nhau chia sẻ những khó khăn về SKSS mà chị em phụ nữ gặp phải rồi cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết. Chúng tôi còn truyền đạt lại kiến thức liên quan cho người thân và những người trong xã cùng biết”, chị Pham chia sẻ.
Những hoạt động của EC4 còn góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương như tảo hôn, sinh nhiều con… Bà con biết tới trạm y tế để tiêm chủng cho trẻ em, các cặp đôi yêu nhau biết tới độ tuổi nào được phép kết hôn...
Hào hứng kể thêm về những tích cực mà bản thân nhận được khi tham gia EC4, chị Pham cho biết chị còn được học lớp xoá mù chữ, cuộc sống gia đình cũng hạnh phúc hơn. "Việc thiếu CSSKSS không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân chị em chúng tôi mà còn tác động đến sức khỏe, hạnh phúc vợ chồng và sức khoẻ của con cái".
Phòng khám Đa Khoa Tân Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) của Dự án EC4 được trang bị thiết bị hiện đại (máy siêu âm 4D), giúp nhiều chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có cơ hội chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
EC4 còn thiết lập phòng khám sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà với máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm 4D, bàn sưởi ấm trẻ sơ sinh, máy điều khí oxy khí trời, máy tạo oxy… với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Phòng khám phục vụ người dân trên địa bàn huyện, đặc biêt là phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã khó khăn trong vùng dự án.
Nghe thông tin phòng khám sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà nhận trang thiết bị y tế mới, chị Đặng Thị Khe (dân tộc Dao, thôn Bằng Sơn, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cùng chị em trong thôn đã dậy từ sáng sớm để đến thăm khám.
“Nhà tôi cách phòng khám hơn 15km, hôm nay bỏ công việc để cùng chị em trong thôn đến đây thăm khám SKSS vì được biết phòng khám mới trang bị nhiều máy móc hiện đại. Bác sĩ tư vấn rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi biết được rằng phụ nữ có thể mắc nhiều bệnh phụ khoa. Tại đây, chúng tôi được khám cẩn thận cho từng người và phát thuốc cũng như hướng dẫn cách phòng tránh một số bệnh”, chị Khe chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà, Trưởng phòng khám dịch vụ chất lượng cao sản phụ của dự án EC4 chia sẻ, tư vấn cho chị em phụ nữ khi đến thăm khám. |
Cũng giống chị Khe, nhiều chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đã nâng cao ý thức được việc CSSKSS&TD cho bản thân. Theo thống kê từ Trung tâm y tế huyện Lâm Hà, năm 2017, số lượt điều trị bệnh phụ khoa chiếm 19,9 % tổng số lượt khám; trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ này nâng lên 38,1%. Đến nay, tỷ lệ này cũng đã tăng lên đáng kể.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà, Trưởng phòng khám dịch vụ chất lượng cao sản phụ của dự án EC4 cho biết: Việc đầu tư trang thiết bị cho phòng khám tại Tân Hà trong dự án EC4 góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở. Từ việc làm thay đổi nhận thức của người dân, phòng khám giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh về SKSS cho chị em, làm giảm gánh nặng y tế cho tuyến trên.
Tôn trọng những ý kiến đóng góp của người dân
Một điểm nhấn của EC4 là việc triển khai hoạt động khảo sát “Kiểm toán xã hội về chất lượng dịch vụ y tế”. Đây là hoạt động được thực hiện bởi các thành viên của nhóm phát triển cộng đồng - đại diện cho người dân và đội ngũ nhân viên y tế địa phương.
Các thành viên tiến hành xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ trạm y tế xã; xác định các công cụ giám sát tương ứng sau đó áp dụng vào việc đánh giá trạm y tế tại địa phương. Sau khi thu thập thông tin lấy ý kiến đánh giá từ nhân viên y tế và cộng đồng địa phương, các nhóm thảo luận về mức độ nhu cầu cũng như đánh giá của người dân; ghi nhận những đề xuất nguyện vọng của cộng đồng đến nhà cung câp dịch vụ - trạm y tế xã với giám sát của lãnh đạo chính quyền địa phương. Từ đó, các bên sẽ thống nhất kế hoạch hành động sớm nhất.
Hoạt động khảo sát “Kiểm toán xã hội về chất lượng dịch vụ y tế” được thực hiện tại xã Đan Phượng |
Chị Đào Thị Hoa, trưởng nhóm phát triển cộng đồng tại xã Đan Phượng (Lâm Đồng) bày tỏ: Mình được đánh giá và là người trực tiếp được hưởng lợi, tôi thấy đây là hoạt động rất hữu ích. Sau những buổi đánh giá, tôi cảm thấy những thay đổi tích cực của cán bộ y tế tại Trạm y tế, từ thái độ đến cách hỏi han, khám bệnh cũng cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó còn về các thiết bị y tế cũng được trang bị tốt hơn trước. Qua đó, thấy được địa phương và cán bộ y tế đã quan tâm hơn đến người dân, tôn trọng những ý kiến đóng góp của người dân. Tôi hy vọng, dự án EC4 sẽ tiếp tục được triển khai.
Chia sẻ về tính bền vững của dự án, bà Chu Thị Hà cho biết: Với bất kỳ dự án được triển khai, ActionAid Việt Nam luôn chú trọng đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực cộng đồng cũng như của các bên liên quan. Sau khi dự án thúc, đội ngũ được đào tạo, hướng dẫn tham gia vào dự án sẽ là những hạt nhân tích cực để duy trì. Trong khuôn khổ dự án EC4 là 350 thành viên của 14 nhóm phát triển cộng đồng sẽ là những cá nhân chính để tuyên truyền những kỹ năng, hiểu biết về CSSKSS&TD cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số ở địa phương; hay các nhân sự tại các phòng khám sẽ tiếp tục duy trì và phát triển, đảm bảo tính bền vững của dự án.
Bên cạnh đó, về ngân sách duy trì đảm bảo hoạt động hiểu quả của phòng khám chất lượng cao, chính quyền địa phương đều có những cam kết để duy trì hoạt động.
Dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” (EC4) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu (EU) và ActionAid Việt Nam, thực hiện từ tháng 7/2017 đến 6/2021, hướng tới 95,320 đối tượng hưởng lợi cuối cùng (tương đương với 60% dân cư cấp huyện là người trẻ và phụ nữ) tại huyện Krông Bông (tỉnh Dak Lak) và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Đây là những người hiểu được quyền về SKSS&TD và được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS&TD có chất lượng. Tại huyện Lâm Hà, dự án được tổ chức vận hành thông qua y tế thôn, cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ và thành lập các nhóm cộng đồng tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng, mỗi xã có 7 nhóm cộng đồng. Dự án có tổng ngân sách 800.000 Euro. Trong đó, EU tài trợ 600.000 Euro và AAV tài trợ 200.000 Euro. |
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trà Vinh Ngày 1/11, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Trà Vinh lần thứ ... |
An Giang: Khơi dậy tinh thần, giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số Trong 2 ngày (30-31/10), 250 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 112.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên toàn tỉnh An ... |
Nhật Bản hỗ trợ phát triển giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum và Lai Châu Với số tổng số tiền tài trợ lên tới 1.7 tỷ USD từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, dự án “Cải thiện giáo dục cấp ... |