Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI: Đại biểu và cử tri quan tâm việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Trên cơ sở kết quả tổng hợp, Thường trực HĐND TP đã họp với 30 Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP để thảo luận, lựa chọn nội dung chất vấn.
Các ý kiến của đại biểu đều thống nhất cao việc lựa chọn 2 nhóm nội dung đang được cử tri và Nhân dân rất quan tâm: Nhóm chất vấn thứ nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhóm vấn đề thứ hai là thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh Kinhtedothi |
Chủ tịch HĐND TP cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, sự tích cực, chủ động của các lực lượng tuyến đầu và sự đồng hành, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay, góp sức cùng TP vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư và phù hợp với thực tiễn TP.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đã cơ bản được kiểm soát; bảo đảm công tác an sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì tăng trưởng và có một số chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế đặt ra, cần được xem xét, giải trình làm rõ, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về việc thúc đẩy các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch HĐND TP cho hay, trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được TP rất quan tâm. TP đã thực hiện nhiều nội dung thu hút đầu tư ngoài ngân sách và triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa đến phát triển các khu đô thị, phát triển nhà ở… từ đó góp phần hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP, thu hút nguồn lực để phát triển thành phố và từng bước giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có những dự án đã được HĐND TP giám sát, tái giám sát nhưng vẫn còn chuyển biến chưa nhiều, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Để phiên chất vấn đạt hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP đề nghị đối với các đại biểu khi đặt câu hỏi cần ngắn gọn, tập trung vào vấn đề cần quan tâm, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, đặt câu hỏi cụ thể, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung đã được chủ tọa thông qua.
Thời gian đặt câu hỏi cho mỗi đại biểu không quá 2 phút. Mỗi đại biểu được cung cấp 01 biển tranh luận và sử dụng khi cần tiếp tục tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ thêm các nội dung chất vấn.Đối với người trả lời chất vấn phải trả lời đúng nội dung, đúng trọng tâm, thẳng vào những nội dung được hỏi, giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thời gian và giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND TP theo dõi, giám sát.
Thời gian trả lời tối đa là 3 phút cho một vấn đề theo tinh thần là "hỏi nhanh, đáp gọn". Trong quá trình trả lời chất vấn, các Phó Chủ tịch UBND TP, thành viên UBND TP và các đơn vị liên quan sẽ tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công.
Đối với những vấn đề, câu hỏi thuộc thẩm quyền, trách nhiệm chung của UBND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ báo cáo làm rõ thêm thuộc trách nhiệm, thẩm quyền và trả lời chất vấn. Trong phiên họp, Chủ tọa sẽ tổng hợp và kết luận đối với từng nhóm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, sẽ ban hành Kết luận để tổ chức triển khai và giám sát thực hiện.
Phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài như thế nào?
Tiếp tục đặt câu hỏi, ĐB Nguyễn Vũ Bích Hiền đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GD&ĐT về việc nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại, trong khi nhiều trường ở huyện còn thiếu nhân viên y tế. Đề nghị Sở cho biết ý kiến về việc này và giải pháp khắc phục?
ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) chất vấn: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học cũng như cần sự giám sát.
Hiện nay, học sinh lớp 12 và lớp 9 ở một số địa phương đã được học trực tuyến kết hợp trực tiếp, nhưng trong tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vậy đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài?
Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) chất vấn, như chúng ta đều biết dịch bệnh Covid -19 hiện nay vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính từ ngày 07/11/2021 đến nay, số ca mắc mới phát sinh tăng đột biến; trong đó những ngày gần đây mỗi ngày đều nghi nhận số ca mắc mới từ 500 đến 700 ca.
Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) chất vấn. Ảnh Kinhtedothi |
Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian từ đợt dịch lần thứ 4 cho đến nay, tôi nhận thấy UBND thành phố Hà Nội đã có các biện pháp quyết liệt, kịp thời và phù hợp để kiểm soát dịch bệnh. Điều này cũng đã được nêu tại Báo cáo số 351 của UBND Thành phố Hà Nội được trình bày tại Ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần này.
Đại biểu nhắc lại một số điểm sáng như: Chủ động áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp, kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan; thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội từ 24/7 đến 21/9, UBND thành phố tận dụng tối đa được tối đa khoảng thời gian vàng để thực hiện xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, bóc tách F0 và kiểm soát dịch bệnh.
Hoàn thành công tác tiêm chủng bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố.
Thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách đặc thù của Thành phố, chăm lo chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh các thành quả của công tác phòng chống dịch, chúng ta cũng không thể phủ nhận các ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnhđến tình hình kinh tế. Theo thống kê , trong 10 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố có:
19.848 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 10% so với cùng kỳ năm trước).
2.566 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26% so với cùng kỳ năm trước), 11.034 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước).
GRDP 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 7,5% dự báo khó có thể hoàn thành.
Vì vậy, việc khôi phục lại hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế là một nhiệm vụ hết sức cần thiết trước mắt.
Hiện nay, tôi được biết trên cơ sở phương án “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, theo kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, UBND Thành phố đã giao Sở Công thương: chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Vì vậy, với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, thay mặt các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đại biểu Nguyễn Duy Chính đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết Sở đã tổng hợp và đề xuất triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào theo chỉ đạo của UBND Thành nêu trên?
Đại biểu và cử tri quan tâm việc kiểm soát hiệu quả dịch
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố, dự báo thời gian tới số ca F0 của Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca/ngày và có thể sẽ xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.
Thành phố Hà Nội đang cách ly 21.000 trường hợp F1 tại nhà và điều trị tại nhà cho 150 ca F0 thể nhẹ. Tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch chiếm 1,2%, tỷ lệ số ca tử vong chiếm 0,34%.
Đây là những con số quan trọng luôn được ngành Y tế Hà Nội cập nhật, theo dõi hàng ngày để có phương án đáp ứng các điều kiện y tế cũng như có phương án phòng, chống dịch phù hợp.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định hệ thống y tế cơ sở vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng, chống dịch, đặc biệt hiện nay thêm nhiệm vụ quản lý, theo dõi các ca F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực suốt 2 năm qua "chiến đấu" với dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn. Ảnh Kinhtedothi |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết nhân lực trạm y tế rất ít, chỉ có từ 5-10 cán bộ y tế, kể cả những xã, phường có tỷ lệ dân số cao trên 30.000 dân/đơn vị như tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, gây quá tải cho hệ thống y tế; chất lượng nhân lực y tế cơ sở chưa cao và chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế cơ sở. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác phòng, chống dịch.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến này; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân theo mô hình y học gia đình, khám chữa bệnh từ xa; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho ngành y tế, hệ thống y tế nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, Sở Y tế đã tăng cường tập huấn cho lực lượng y tế, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh phía Nam để điều trị các bệnh nhân nặng. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo các cấp độ, theo các triệu chứng chuyển tầng.
Đặc biệt, thành phố đã quyết định trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay tổ chức điều trị cho các trường hợp F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà, giao cho y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình...
Điều này phù hợp với nguyện vọng người dân, đồng thời giúp y tế cơ sở cùng các lực lượng gồm: Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cơ sở… chủ động trong việc tiếp cận, hỗ trợ ngành y tế trong lúc ngành đã bị quá tải. Tuy nhiên cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1 hay điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố ghi nhận 14.925 ca mắc COVID-19, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng.
Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ; kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với vấn đề đi học trở lại của học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết trước tình hình dịch bệnh, vấn đề y tế học đường rất quan trọng, tuy nhiên, toàn thành phố còn thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối Trung học cơ sở thiếu 88 người. Đồng thời đề xuất cho phép ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn; tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Kết luận phiên chất vấn, liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được các đại biểu và đông đảo cử tri và nhân dân thành phố quan tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, qua báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố và nội dung trả lời chất vấn, các đại biểu đều cơ bản thống nhất và ghi nhận nỗ lực của Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, quận huyện và các cấp ngành thời gian qua.
Thành phố đã chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương giải pháp đúng, trúng, với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Trung ương và phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố.
Theo Kinhtedothi/ Vietnamplus
Tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" – “Làn gió mới” của du lịch Thủ đô Vẫn là những điểm đến thân quen với người dân Hà Nội và bạn bè quốc tế yêu mến Hà Nội, nhưng các nhà tổ chức tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" đã tiếp cận ở góc nhìn mới. Đó là khai thác vẻ đẹp kiến trúc của các công trình Pháp cổ, đồng thời tổ chức thành tour đi bộ tạo trải nghiệm khác biệt cho du khách. |
Hà Nội đổi lịch, chỉ học sinh lớp 12 đi học trực tiếp từ 6/12 Sở GD&ĐT Hà Nội vừa quyết định điều chỉnh việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Theo đó, chỉ học sinh khối 12 trở lại trường từ ngày 6/12, các khối còn lại (trừ học sinh lớp 9 ở ngoại thành) học trực tuyến. |
Hà Nội tăng cấp độ dịch COVID-19 tại 12 quận, huyện Theo công bố ngày 3/12, thành phố Hà Nội có 12 quận, huyện tăng cấp độ dịch COVID-19, từ cấp độ 1 lên cấp độ 2. |