Kon Tum nâng cao nhận thức người dân về thành tựu bảo vệ nhân quyền
Phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS luôn được tỉnh Kon Tum chú trọng thực hiện.
Với đặc thù là địa phương có số lượng người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá đông (hơn 50% dân số toàn tỉnh), cùng yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của họ thì vấn đề nhân quyền luôn được đặt ra quan trọng hàng đầu trước âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá thông qua lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quy mô trường, lớp học được mở rộng, nâng cấp, chất lượng giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 153 trường đạt chuẩn quốc gia, 102/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 23/8/2016 tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 16/1/2017 phê duyệt Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 và chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm tra thường xuyên. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai tích cực vớitổng số lao động được đào tạo việc làm trong năm 2018 là 1.683 lao động, đạt 102% kế hoạch; tiếp tục duy trì các lớp cao đẳng, trung cấp nghề cho 620 học viên; tổ chức đào tạo nghề cho 1.949 lao động nông thôn. An sinh xã hội được đảm bảo; toàn tỉnh hiện có 472.025 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng 8.852 người so với năm 2017. Công tác giảm nghèo được chú trọng.
Hệ thống công nghệ thông tin ngày càng được hoàn thiện và mở rộng, phát huy tốt hiệu quả; mạng lưới bưu chính, viễn thông được chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Phát thanh truyền hình ngày càng đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội (người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật) tiếp tục được chú trọng thực hiện với các chiến dịch tuyên truyền phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻem, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Những thành tựu bảo vệ nhân quyền của nước ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã đạt được thời gian qua là không thể phủ nhận. Trước âm mưu và hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá Nhà nước ta, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc này; không vì những khuyết điểm nhỏ của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở mà quy chụp, phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng bảo vệ quyền công dân của cả hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Cần nhận thức rõ mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, phát huy vai trò quản lý nhà nước, quản lý xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.Khẳng định rằng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết; quyền và nghĩa vụ công dân luôn được tôn trọng và đảm bảo vì cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
K.V