Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao qua góc nhìn quốc tế
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với sức ép lớn từ nhiều yếu tố. Những tác nhân như nhu cầu toàn cầu yếu, căng thẳng địa chính trị kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất,… đã tạo rủi ro về thị trường, tỷ giá.
Ở trong nước, nền kinh tế cũng chịu áp lực từ tiêu dùng đình trệ, sức hấp thụ dòng vốn lãi suất thấp chưa được như kỳ vọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, nền kinh tế vẫn ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng ở mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ các chính sách chủ động, linh hoạt và đúng đắn.
Ảnh minh họa: Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Chia sẻ với phóng viên, ông Shantanu Chakraborty cho rằng trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tạo ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, trong đó xuất khẩu tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động tiêu dùng nội địa vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Bên cạnh sự trỗi dậy của lĩnh vực thương mại, Giám đốc Quốc gia của ADB cho rằng các số liệu về sản xuất và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng mang lại nhiều tín hiệu sáng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 6/2024 ở mức 54,7 cho thấy triển vọng lạc quan về hoạt động sản xuất trong nước. Trong khi đó, báo cáo của ADB cũng cho thấy đầu tư FDI về cả vốn đăng ký và vốn thực hiện trong nửa đầu năm 2024 là rất tích cực.
Nhìn về cả năm 2024, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng giai đoạn nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm, một phần do các chỉ số tăng trưởng trong nửa đầu năm nay được hưởng lợi từ xuất phát điểm thấp của nửa đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, ADB vẫn tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan một cách thận trọng với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Ông Shantanu Chakraborty cho rằng đây là mức tăng trưởng khá lành mạnh giữa tình hình địa chính trị thế giới hiện nay, cùng những thách thức từ bên trong, bên ngoài đối với nền kinh tế.
Theo Giám đốc Quốc gia ADB, các yếu tố bao gồm duy trì sự phục hồi thương mại trong các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực sẽ giúp kinh tế Việt Nam giữ vững sức tăng trưởng trong năm 2024.
Ngoài ra, chuyên gia của ADB khẳng định tăng trưởng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ đầu tư công, các yếu tố như sự trở lại của lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định, và tiêu dùng nội địa phục hồi.
Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới Đó là nhận định của các chuyên gia tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng, diễn ra ngày 12/04, tại Hà Nội. |
Đẩy mạnh hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam và Campuchia Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Neth Savoeun. |