Kinh tế Cuba chịu thiệt thòi nặng nề do chính sách cấm vận của Mỹ
Các đại biểu là đông đảo đại diện bộ, ngành, các tổ chức, bạn bè thân thiết của nhân dân Cuba tại buổi tọa đàm.
Sự kiện do Học viện Chính trị Quốc gia Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức nhằm đưa đến tình hình thực tế của Cuba, những con số cụ thể minh chứng cho thiệt hại kinh tế nặng nề sau các cuộc bao vây, cấm vận "bất công" của Mỹ lên đảo quốc Caribe này.
Chia sẻ ý kiến tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera nhận định, cuộc tọa đàm càng có ý nghĩa quan trọng hơn, khi được tổ chức trước thềm phiên bỏ phiếu lần thứ 27 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Đây là cơ hội để cất lên tiếng nói đấu tranh vì bình đẳng, hòa bình chính nghĩa và là dịp để nhân dân Cuba bày tỏ cảm kích về sự đoàn kết, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam. Cuba và Việt Nam thân thiết như anh em ruột thịt và Việt Nam luôn ở bên ủng hộ Cuba trong những năm tháng bị cấm vận.
Theo đại diện của Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, thiệt hại do cấm vận Mỹ áp đặt lên Cuba trong tất cả các lĩnh vực là rất to lớn. Thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD và gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ, dinh dưỡng và sự phát triển tổng hợp của người dân Cuba.
Cấm vận cũng tác động tới những ngành nhạy cảm nhất như lương thực, y tế, giáo dục, tài chính…
Cụ thể, Cuba không được tiếp cận được nhiều loại thuốc men cần thiết trong điều trị bệnh nguy hiểm như: Evolucumab Repatha, được sử dụng trong điều trị cholesterol cao ở những bệnh nhân cho nguy cơ cao về tim mạch; Temozolomide được áp dụng trọng hóa trị u não ác tính; Monoxit nitơ được dùng để ngăn ngừa và điều trị tăng áp động mạch phổi cấp tính. Từ 8 đến 10% ca phiễu thuật hàng năm được thực hiện cho trẻ em em mắc bệnh này tại Trung tâm tin mạch bệnh viện nhi William Soler-La Habana.
Công ty Kinh doanh thực phẩm Cuba buộc phải nhập khẩu lương thực thông qua nước thứ ba do không được phép giao dịch trực tiếp với các công ty của Mỹ khiến cho chi phí vận tải hàng hải tăng và hệ quả là giá thành đội lên rất cao.
Lệnh cấm vận ngăn cản Cuba có cơ sở hạ tầng vững chắc trong lĩnh vực thực phẩm. Tuy nhiên, Chính phủ Cuba đang nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực, được UNICEF công nhận. Trong một báo cáo gần đây, Cuba được coi là nước duy nhất ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe không có suy dinh dưỡng trẻ em trầm trọng.
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.Hà Nội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba TP.Hà Nội, Việt Nam vẫn luôn phản đối lệnh bao vây cấm vận đơn phương của quốc gia này áp đặt lên Cuba.
Ngày 31/10 sắp tới đây, cuộc bỏ phiếu thường niên của Đại hội đồng về việc dỡ bỏ cấm vận của Mỹ với Cuba sẽ diễn ra. Trong suốt 26 năm, bắt đầu từ ngày 24/11/1992, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã liên tục chỉ trích lệnh cấm vận chống Cuba, đồng thời yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh này. Năm 2017, 191 nước đã bỏ phiếu thuận, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống.
Ông bày tỏ hy vọng năm nay, Cuba nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó chắc chắn Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba trong công cuộc đấu tranh đòi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý áp dụng lên Cuba trong bao lâu nay.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng lên tiếng khẳng định sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi dỡ bỏ ngay và vô điều kiện lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính phi lý chống Cuba; tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực bình thường hóa quan hệ Cuba – Mỹ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập và thể chế chính trị của mỗi nước.
Các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến nhằm lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng quốc tế cũng như người dân Việt Nam về sự phi lý của lệnh cấm vận của Mỹ lên Cuba, những thiệt hại to lớn đất nước và người dân Cuba phải chịu.
Mai Anh