Kinh tế Ấn Độ mất ngôi tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin CNN, tỷ lệ tăng trưởng thường niên của Ấn Độ giảm xuống còn 6,1% trong quý kết thúc vào ngày 31/3, hạ từ mức 7% trong quý liền trước. Con số trên thấp hơn rất nhiều so với mức mà các nhà kinh tế dự báo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ vừa tuột ra sau Trung Quốc, nước tăng trưởng 6,9% cùng giai đoạn.
Số liệu chính phủ Ấn Độ công bố hôm 31/5 cho thấy tăng trưởng trong năm tài khóa 2016 - 2017 của nước này sẽ hạ từ 8% xuống 7,1%. Dữ liệu GDP thấp cho thấy quyết định đổi 86% tiền mặt trong lưu thông của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi cuối năm ngoái có thể đang gián đoạn sự bùng nổ kinh tế Ấn.
Cụ thể, ngày 8/11/2016, ông Modi bất ngờ cấm toàn bộ giấy bạc mệnh giá 500 và 1.000 rupee, 2 loại mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền giấy Ấn Độ. Động thái này làm nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt chật vật, khiến ngành tài chính yếu đi. Cuộc khủng hoảng tiền mặt ảnh hưởng một chút đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ tháng 12/2016 song giờ đây, nó đang để lại tác động thực sự lên dữ liệu chính thức.
Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ đổi tiền hồi năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Các khoản nợ xấu, nợ tái cấu trúc và khoản tiền cho vay tới các công ty không thể thanh toán nợ đã vọt lên mức 16,6% trên tổng nợ, theo dữ liệu từ chính phủ. Sự gia tăng trong khoản nợ xấu đã buộc các ngân hàng tập trung vào việc đòi lại các khoản nợ này, làm tăng trưởng tín dụng Ấn Độ giảm xuống gần mức thấp kỷ lục, tạo thách thức lớn khi chính phủ nước này cố gắng gia tăng đầu tư và thúc đẩy việc làm.
Bên cạnh hoạt động đầu tư tăng trưởng chậm chạp thì năng xuất lao động của Ấn Độ cũng suy yếu, qua đó kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như cơ hội việc làm tại đất nước này.
Năng suất lao động trên đầu người đã giảm từ 10% trong năm 2010 xuống chỉ còn 4,8% trong năm 2016. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ấn Độ sẽ có sản lượng trên mỗi công nhân ở mức 3.962 USD trong năm 2017, chỉ bằng một phần nhỏ của Đức là 83.385 USD.
Dẫu vậy, tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ không vì thế mà suy giảm. Dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng 9.9%/năm sẽ vượt mặt Đức vào năm 2022 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, đồng thời loại Anh ra khỏi top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau năm nay.
Hồng Anh