Kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng bằng xấp xỉ cả năm 2023
Chuối của Công ty Huy Long An |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường tăng trưởng khả quan so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có sự bứt phá mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành.
“Với tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay, cùng với các tín hiệu tích cực từ thị trường như việc Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trái dừa tươi và sầu riêng đông lạnh từ nước ta, dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng đạt mức cao kỷ lục mới, lên tới 7 tỷ USD”, đại diện Cục XNK nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, sầu riêng Tây Nguyên vẫn đang trong giai đoạn thu hoạch rộ và sẽ còn kéo dài đến tháng 10. Dự báo xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ vượt 3 tỷ USD và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam và có thể lần đầu tiên vượt con số 7 tỷ USD.
Trong tháng 8, mặt hàng có tốc độ tăng trưởng 2 con số là chuối. Trước đây, Philippines là thị trường cung cấp chuối chủ lực cho Trung Quốc, nhưng nay người tiêu dùng Trung Quốc giảm tiêu thụ chuối của nước này và quay sang dùng chuối của Việt Nam, nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu chuối tăng trưởng tốt.
Nguyên nhân, do chuối Philippines mắc bệnh Panama làm giảm sản lượng. Các chợ đầu mối tiêu thụ rau quả của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Bằng Tường ... chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 100 km nên chi phí vận chuyển tương đối rẻ. Trong khi đó, Philippines phải vận chuyển bằng tàu cập cảng Thẩm Quyến hoặc Quảng Châu… sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào các chợ đầu mối để phân phối, nên giá thành cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Là doanh nghiệp được mệnh danh là “vua chuối”, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết hiện nay xuất khẩu chuối sang Trung Quốc đang tốt, do cung cầu rất lớn, tuy nhiên, thị trường này biến động rất nhanh.
“Trung Quốc là thị trường chính nên xuất khẩu chuối của doanh nghiệp Việt Nam chịu áp lực rất lớn từ thị trường này, khi có nhu cầu thì họ nhập khẩu với khối lượng rất lớn, khi họ ngưng mua thì giảm cũng rất nhanh. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải có sản lượng ổn định”, ông Huy nói.
Nhìn chung, ngành rau quả của Việt Nam đang có những ưu thế, nhưng phải phân tích từ vùng trồng, không thể chỉ phân tích thị trường nhập khẩu, như vậy sẽ không phản ánh đúng tình hình cung cầu trên thị trường.
Vùng trồng chuối của Việt Nam nếu ổn định thì sẽ chọn thị trường ổn định, nhưng chỉ khoảng 500 ha vừa liên kết với nông dân, vừa của công ty trồng như hiện nay, nên phải chia đều lượng hàng ra các thị trường, thừa hay thiếu cũng phải bán cho nhà nhập khẩu để giữ mối.
Ví dụ, thị trường Hàn Quốc là 30%, Nhật Bản 20% và Trung Quốc 50% thì con đường đi nay sẽ bền vững.
Với bản chất của người nông dân ông Huy luôn tâm đắc một điều là “phải tôn trọng bạn hàng của mình, nếu không trọng người ta thì không ai trọng mình”.