Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,87 tỷ USD
Thúc đẩy giao lưu thương mại Việt Nam – Trung Quốc Thương mại Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng mạnh (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ). |
Cụ thể, tính đến tháng 1/2023, Trung Quốc là đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 10 tỷ USD.
Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD.
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ quốc gia láng giềng đạt 7,23 tỷ USD trong tháng 1.
Hàng hóa nhập khẩu đa dạng từ sản phẩm, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu; hàng tiêu dùng; hàng nông sản…
Với tổng kim ngạch hơn 11 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm.
Trước đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD
Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).
Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Ngày 08/01 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Hiện nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản. Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Trong quản lý chất lượng, tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,...
Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.