Kiều bào góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Ông Nguyễn Quốc Hùng (trái) Giám đốc và ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị". Ảnh: NVCC |
Được biết, trong năm vừa qua Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc, hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch COVID-19 và thiên tai. Ông có thể chia sẻ cụ thể tới độc giả Tạp chí Thời Đại về các hoạt động này?
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, thông qua Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” đã phát động dự án “Đồng lòng Việt Nam” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay, giúp Tổ quốc sớm chiến thắng đại dịch. Sau 2 tháng triển khai từ ngày 25/6-25/8/2021, dự án đã chính thức khép lại với tổng số tiền quyên góp được là hơn 3 tỷ VND với sự tham gia của 1.307 cá nhân và 13 doanh nghiệp đến từ 26 chủ thể của Liên bang Nga. Toàn bộ số tiền quyên góp được từ dự án, với sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện ngoại giao Việt nam tại Liên bang Nga, đã được sử dụng để mua thuốc điều trị COVID-19 gửi về cho Bộ Y tế và được sử dụng theo nhu cầu của Bộ công an.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Nga đã quyên góp và mua 3 xe ô tô địa hình UAZ Hunter Expedition trị giá 81.000 USD do Nga sản xuất tặng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 11/8/2022, tại Hà Nội, Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga cùng Quỹ Thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” và Cục Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Lễ bàn giao 3 chiếc xe trên.
Đây là món quà thiết thực, tượng trưng cho tình cảm của những người Việt hiện sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga hướng về Tổ quốc, thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần những người trực tiếp làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở trong nước, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “chất xúc tác” quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân. Quỹ “Truyền thống và hữu nghị đã tổ chức những hoạt động nào nhằm củng cố quan hệ hữu nghị Việt-Nga?
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Hội người Việt Nam tại Nga đã tổ chức gặp mặt các chuyên gia quân sự - cựu chiến binh Liên Xô và Nga từng làm việc tại Việt Nam trong chiến tranh. Đây là những người có đóng góp to lớn cho quan hệ hai nước, kề vai sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phối hợp với Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra thật cảm động, trong không khí đầm ấm, thắm tình hữu nghị với sự tham dự của gần 50 cựu chiến binh đã từng làm việc tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Bên cạnh hoạt động thường niên, trong năm qua, Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” đã lần đầu tổ chức chương trình nhằm thúc đẩy phong trào học tập và nghiên cứu tiếng Việt tại Nga. Vào tháng 3/2022, Quỹ đã phối hợp với Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang (LB) Nga tổ chức cuộc thi dịch tiếng Việt toàn LB Nga trong lĩnh vực giao tiếp chuyên nghiệp.
Cuộc thi diễn ra theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia tranh tài của gần 20 sinh viên hệ cử nhân và thạc sĩ đang học tập, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại các trung tâm đào tạo hàng đầu của LB Nga như MGIMO, Trường Kinh tế cao cấp, Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg, Học viện các nước Á-Phi trực thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov, Đại học Viễn Đông, Đại học Kazan, Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva…
Ngoài các giá trị về học thuật, cuộc thi đã góp phần vào việc phổ biến ngôn ngữ tiếng Việt tại Nga, góp phần đào tạo một thế hệ người Nga nghiên cứu VN mới (các nhà VN học), thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt sách Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu”. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh cuộc thi tiếng Việt, Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” còn nêu sáng kiến và tài trợ cho ấn phẩm khoa học “Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu”. Đây là lần đầu tiên một cuốn cẩm nang tổng hợp các vấn đề kinh tế đối ngoại của Việt Nam được xuất bản tại Nga.
Cuốn sách Việt Nam-đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu là công trình của tập thể các nhà khoa học Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, các nghiên cứu sinh và sinh viên thuộc Viện Á-Phi thuộc Trường đại học Tổng hợp Lomonosov. Cuốn sách gồm 5 chương, cung cấp những thông tin cơ bản, cập nhật về những thành tựu đạt được, phương hướng và hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, cũng như quá trình hội nhập của đất nước vào nền kinh tế thế giới. Chương 1 đưa ra đánh giá tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đặc điểm xuất nhập khẩu, nguồn và khối lượng vốn thu hút được. Chương 2 cung cấp cái nhìn tổng quan chi tiết về các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế và lĩnh vực xã hội liên quan đến quan hệ đối ngoại hoặc có triển vọng trong vấn đề này. Chương 3 nêu quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và EAEU do Nga dẫn đầu. Chương 4 và chương 5 chứa đựng thông tin cần thiết để đăng ký và điều hành một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả môi trường hành chính và pháp lý. |
Theo ông, kiều bào cần làm gì để đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế?
Để đối ngoại nhân dân thành công hơn nữa, theo tôi, chúng ta cần thực hiện đồng bộ những việc sau:
Thứ nhất, chúng ta cần tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền, đồng thời mở rộng và tăng cường liên kết, phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; tranh thủ sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân. Cụ thể ở đây là chúng ta cần chú trọng và nâng cao vai trò những tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách và nòng cốt của đối ngoại nhân dân như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các Hội hữu nghị mà cụ thể là Hội hữu nghị Việt-Nga. Những tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách này sẽ đóng vai trò cầu nối với các Hội đoàn người Việt tại nước sở tại, phổ biến chủ trương chính sách, lập kế hoạch và phương hướng công tác cụ thể để hoạt động đối ngoại của kiều bào trở nên bài bản hơn, hiệu quả thiết thực hơn.
Thứ hai, đa dạng hóa và hiện đại hóa hoạt động ngoại giao nhân dân của kiều bào. Tôi lấy ví dụ cụ thể là mô hình Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “truyền thống và hữu nghị”, đây là một cơ cấu theo xu thế hiện đại, giúp quy tụ rộng rãi và giúp phối hợp các nguồn lực nhằm hỗ trợ các hoạt động ngoại giao nhân dân, gìn giữ, củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, góp phần xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Quỹ tiến hành các hoạt động đa dạng về ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế và ngoại giao khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sức mạnh tổng hợp của ngoại giao.
Thứ ba, mỗi kiều bào bằng hành động mỗi ngày của mình, sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, có ích hơn, trở thành cầu nối hữu nghị, là Đại sứ thiện chí của Việt Nam trong trái tim bạn bè thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” (Quỹ “Truyền thống và hữu nghị”) là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, và tự chủ về tài chính. Quỹ đã cùng với Hội người Việt Nam tại LB Nga đồng hành cùng với cộng đồng người Việt tại Nga trong những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, hoạt động hướng về Tổ quốc, hoạt động đối ngoại nhân dân, củng cố tình hữu nghị Việt-Nga. |