Không phải bế sao cũng được, bế trẻ sơ sinh sai cách sẽ ảnh hưởng xấu đến cột sống của con lắm đấy mẹ ạ!
Bế trẻ sơ sinh không khó nhưng cũng chẳng phải là dễ dàng. Không chỉ cần phải nhẹ nhàng, cẩn trọng mà cách bế trẻ cũng cần phải đúng đắn, nếu không sẽ tác động xấu đến cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vóc dáng, cũng như thể chất của bé. Thế nên nếu bố mẹ vẫn không chắc chắn về thao tác bế trẻ sơ sinh, hãy tham khảo những tư thế bế con đúng đắn để không ảnh hưởng đến cột sống của con.
Tùy vào từng giai đoạn của trẻ mà sẽ có những cách bế bồng khác nhau. Theo đó, bạn nên lưu ý:
Trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi
(Ảnh: Internet)
Giai đoạn này, bé nên được bế theo tư thế nằm ngang, một tay đỡ mông, một tay vừa đỡ đầu, cổ và lưng bé. Tuyệt đối không bế vác vai - tức cho bé thẳng lưng theo phương thẳng đứng, đầu tựa vào vai người lớn. Cho đến lúc 2 tháng tuổi, chiều dài đầu của trẻ sơ sinh chiếm khoảng 1/4 chiều dài của cơ thể, nên nếu bế vác vai, toàn bộ trọng lượng đầu sẽ dồn áp lực lên xương sống. Lúc này, xương sống bé sẽ chịu áp lực nặng nề, dễ bị ảnh hưởng đến cấu trúc.
Nhiều mẹ thường bế bé theo kiểu vác vai để cho bé ợ hơi sau khi bú. Tuy nhiên, bạn không nên bế bé ở tư thế này quá lâu và nếu bế thì phải để cả thân bé áp vào ngực, vai người lớn càng nhiều càng tốt, tay luôn phải đỡ phần đầu, cổ. Như vậy sẽ giảm lực lên xương sống.
Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, nhiều bé đã có thể giữ được đầu ở phương thẳng đứng, nhưng cổ và cơ lưng vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Thế nên, ngoài tư thế bế nằm ngang như giai đoạn trước đó, thỉnh thoảng, bố mẹ có thể bế con theo hướng nghiêng. Tức một tay giữ đầu, cổ, tay còn lại giữ mông và áp ngực bé vào vai người lớn. Tuy nhiên, vì còn quá bé nên con cũng không nên được bế ở tư thế này quá lâu, chỉ là thỉnh thoảng và trong một vài phút mà thôi.
Ngoài tư thế bế nằm ngang như giai đoạn trước đó, thỉnh thoảng, bố mẹ có thể bế con theo hướng nghiêng (Ảnh: Internet)
Lâu lâu, bạn cũng có thể thay đổi, bế vác con theo phương thẳng đứng bằng cách cho con ngồi lên một cánh tay của người lớn, tay còn lại đỡ ngực, cổ, để bé áp sát hoàn toàn cơ thể vào người lớn. Nhưng cũng không nên bế quá thường xuyên và quá lâu nhé.
Trẻ trên 6 tháng tuổi
(Ảnh: Internet)
Giai đoạn này, trẻ đã cứng cáp hơn, hệ cơ xương cũng dần hoàn thiện hơn. Bố mẹ đã có thể bế trẻ ở nhiều tư thế: bế ngang, bế vác hoặc cũng có thể quay người con lại, lưng con áp về ngực người lớn để con có thể quan sát được phía trước. Tư thế bế cắp nách nên được hạn chế cho đến khi trẻ đã 1 tuổi.
Bố mẹ cần lưu ý:
- Trước khi bế con, bố mẹ nên rửa tay sạch sẽ, tháo hết vòng đeo tay, đồng hồ, trang sức có khả năng làm trầy xước da con.
- Không tập con ngồi, đứng, đi quá sớm. Đừng nôn nóng mà ép con phải ngồi hay đứng khi chưa đủ khả năng. Làm thế không chỉ ảnh hưởng đến cột sống mà còn cả xương chân của bé nữa.
- Luôn phải dùng tay đỡ đầu, cổ và lưng của bé.
(Nguồn: Tổng hợp)
Newben