“Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp”
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú.
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển nông sản chủ lực. Trong những năm qua, khu vực này luôn nhận được sự quan tâm sâu sát từ Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Phó Thống đốc cho biết: tính đến tháng 9/2024, tổng vốn huy động tại khu vực đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay lên tới gần 1,2 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn ưu tiên cho lúa gạo, thủy sản và trái cây – ba lĩnh vực thế mạnh của vùng – luôn chiếm tỷ trọng đáng kể so với cả nước.
Về cơ chế, chính sách ưu đãi, hiện có 12 văn bản còn hiệu lực liên quan đến vốn, lãi suất và thời hạn vay cho lĩnh vực nông sản. Đáng chú ý, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116 sửa đổi đã mang đến nhiều ưu đãi như nâng mức vay không cần thế chấp và lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên chỉ 4%/năm.
Phó Thống đốc cũng khẳng định NHNN luôn tạo điều kiện để cung ứng vốn đầy đủ cho khu vực. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc cung cấp vốn trung và dài hạn vẫn là thách thức lớn vì đa số người gửi tiết kiệm thường chỉ gửi trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn cho ngân hàng khi hỗ trợ vay dài hạn cho doanh nghiệp.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, lãnh đạo NHNN cũng đánh giá, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn có tiềm ẩn những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Ví dụ, cơn bão số 3 vừa qua với sức tàn phá nặng nề đã để lại hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều bà con nông dân bị mất trắng. Trong trường hợp này, ngân hàng chỉ có thể giãn, hoãn nợ còn khách hàng vay vẫn phải trả món nợ đó.
“Xóa nợ thì không thể vì luật pháp không cho phép. Khoanh nợ thì phụ thuộc chính quyền địa phương – nhưng chưa địa phương nào công bố thiên tai trên diện rộng và làm chính sách khoanh nợ cho doanh nghiệp cả, vì khoanh nợ lại ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Cuối cùng ngân hàng lại phải gánh hết chuyện giãn hoãn”- Phó Thống đốc chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc, hiện đã có rất nhiều chính sách của Trung ương và ngân hàng dành cho 2 nhóm đối tượng đối với nông nghiệp, cụ thể là hợp tác xã và nông dân để tiếp cận các nguồn vốn. Ngân hàng cần quản lý được dòng tiền của mình nên cũng phải có các điều kiện cho vay để đảm bảo thu hồi được vốn đã cho vay.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa được lãnh đạo NHNN đề cập tới là vấn đề thiếu nguồn vốn tại chỗ và nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ.
Theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được triển khai mới đây, có 4 nguồn lực chính. Trong đó, ngân sách hỗ trợ giao thông, thủy lợi, cải tạo đất đai; vốn vay của WB; vốn đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; cuối cùng là vốn ngân hàng.
Đối với một số nguồn lực vốn vẫn chưa xong thủ tục hoặc chưa huy động được, trong khi đó, về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã có hướng dẫn các ngân hàng thực hiện. Nói vậy để thấy, nguồn vốn cho ĐBSCL vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng nên rất mong có sự chia sẻ với ngành Ngân hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – hiện nay một số doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn do thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh kém khả thi và hạn chế về quản trị. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phát triển nông nghiệp – nông thôn. Liên kết giữa các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn vay. Bảo hiểm nông nghiệp, dù đã có chính sách, nhưng triển khai còn chậm, chưa được nhân rộng.
TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng với nguồn vốn tái cấp ưu đãi, lãi suất thấp; phát triển sản phẩm tín dụng đặc thù, như tài trợ chuỗi cung ứng, tín dụng cho nông nghiệp xanh và nông nghiệp sạch…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, với quan điểm chỉ đạo của NHNN, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt ĐBSCL sẽ không lo thiếu. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì NHNN sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực.
NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, thủy sản, rau quả…