Không khí Hà Nội, Bangkok, Seoul... ô nhiễm nặng, vượt ngưỡng khuyến cáo
Số ca tử vong do ô nhiễm không khí tăng gấp đôi Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ: Hít phải không khí ô nhiễm có thể làm giảm trí thông minh |
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người thì có 9 người trên thế giới đang phải hít không khí ô nhiễm ở mức cao, hai khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Phi và châu Á.
Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới do AirVisual hợp tác với Greenpeace thực hiện, trong số hơn 3.000 thành phố được thống kê, 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO (10μg / m3) đối với bụi mịn, còn được gọi là bụi PM2,5. Các thành phố được theo dõi ở Trung Đông và châu Phi đều vượt quá mức khuyến cáo này, trong khi 99% các thành phố ở Nam Á, 95% các thành phố ở Đông Nam Á và 89% các thành phố ở Đông Á cũng vượt quá mức này.
Hà Nội, Việt Nam
Chỉ số bụi mịn đo được tại Hà Nội trong sáng 2/4 là 214 - mức rất xấu |
Theo trang aqivn.org, chỉ số chất lượng không khí trung bình (PM 2.5 AQI) tại Hà Nội vào buổi sáng những ngày qua đang ở mức rất xấu. Bụi mịn và độ ẩm cao khiến người dân vài ngày qua đối mặt với nhiều nguy hiểm về sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp.
Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018, trong số hơn 3000 thành phố (xếp hạng theo mức độ ô nhiễm bụi PM 2.5), thành phố Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 209 trên toàn thế giới.
Vừa qua, Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh- GreenID cũng đã công bố con số đáng báo động khi nồng độ bụi PM 2.5 (bụi mịn) tại Hà Nội vẫn đang ở mức độ không an toàn. Tại trạm đo chất lượng không khí tại Đại sứ quán Mỹ đưa ra kết quả có tới 88 ngày Hà Nội vượt quy chuẩn quốc gia Việt Nam về ô nhiễm không khí.
Tình trạng mù trời diễn ra những ngày qua cũng được nhận định giống như tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra vào cuối tháng 1/2019 vừa qua tại Hà Nội.
Bangkok, Thái Lan
Không khí ở Bangkok ô nhiễm nặng |
Mật độ hạt bụi mịn PM 2.5 tại một số nơi thuộc Bắc Thái Lan lên tới 700 microgram/m3, trong khi mức 200 microgram/m3 đã là ngưỡng có hại cho sức khỏe, trong đó Bangkok là 1 trong những thành phố bị ô nhiễm nặng nề nhất.
Hiện Bangkok đang đứng vị trí thứ 9 trong số 10 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, theo tổ chức Greenpeace Thái Lan lấy dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Mỹ.
Các quận nội và ngoại ô Bangkok bị ô nhiễm nặng nhất là quận Bang Khunthian, quận ngoại ô Bang Na, Bang Kapi, Din Daeng, đường Rama IV ở quận Pathumwan, đường Intarapitak ở quận Thon Buri, và đường Lat Phrao ở quận Wang Thong Lang.
Bụi mịn độc hại cũng ở mức cao ở một số quận ở các tỉnh Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, và Samut Sakhon.
Ngoài ra, những địa phương có tình trạng ô nhiễm nặng nề có thể kể đến là Bangkok, Chiang Mai, Mae Hong Son, Lamphun…
Trong đó, thành phố Chiang Mai đang bị ô nhiễm nặng nhất bởi hạt bụi độc, với mật độ PM2.5 ngày 1/4 ở mức 305 (254,5microgram/m3), mức nguy hiểm cao nhất.
Cá biệt, tại quận Mae Sai, Chiang Rai, chỉ số chất lượng không khí chạm mức kỷ lục 467.
Giới chức địa phương đang tiến hành các biện pháp để giảm ô nhiễm không khí. Cục trưởng Cục Phòng chống và Khắc phục thiên tai Thái Lan Chaiyaphol Thitisak đã ra lệnh điều động xe phun nước nhằm giảm mật độ khí nặng.
Dự kiến, ngày 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha sẽ chủ trì một cuộc họp tại Chiang Mai để bàn về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo dự báo, tình trạng ô nhiễm không khí tại đây sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Seoul, Hàn Quốc
Seoul bị bao phủ bởi bụi mịn. Ảnh: AP |
Mật độ hạt bụi siêu mịn ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong tháng 3/2019 đã chạm ngưỡng cao kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2015.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 1/4, trong tháng 3, lượng bụi siêu mịn ở Seoul lên tới 44,6 mg/m3, tăng mạnh so với mức 34 mg của năm 2018.
Trong tuần đầu của tháng 3, hầu hết các thành phố tại Hàn Quốc, trong đó có thủ đô Seoul, chìm trong bầu không khí ô nhiễm với mật độ bụi siêu mịn ở mức cao, vượt ngưỡng khuyến cáo tối đa do WHO đưa ra khoảng 6 lần.
Đặc biệt trong ngày 5/3, lượng bụi siêu mịn trung bình đo được ở Seoul đạt mức kỷ lục 135 miligam/m3.
Nhà chức trách tại nhiều tỉnh thành lớn đang đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giảm lượng bụi mịn trong không khí, như hạn chế lượng xe trên đường và các phương tiện vận tải công cộng.
Hàn Quốc cho biết là sẽ thành lập một Ban Chỉ đạo quốc gia ứng phó "bụi mịn" trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp hơn. Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết Ban Chỉ đạo này sẽ chính thức hoạt động từ đầu tháng này. Nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ là Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo ứng phó bụi mịn là cùng với các Bộ, ngành, chuyên gia, các nhà vận động môi trường tìm giải pháp cho ô nhiễm không khí, hỗ trợ chính phủ đưa ra các chính sách.
New Delhi, Ấn Độ
Trẻ em Ấn Độ chơi dưới bầu không khí ô nhiễm ở Lodhi Gardens, New Delhi. Ảnh: AFP |
Trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí cũng vượt tầm kiểm soát của Chính phủ Ấn Độ ở các thành phố lớn, trong đó có thủ đô New Delhi.
Tình trạng ô nhiễm được cho là gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm tại Ấn Độ và chất lượng không khí tại thành phố New Delhi bị đánh giá là một trong những nơi tồi tệ nhất thế giới.
Ấn Độ vừa công bố chương trình 5 năm nhằm cắt giảm ô nhiễm không khí tới 30% so với mức 2017 tại 102 thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất.
Các mục tiêu chính bao gồm giảm đốt chất thải đồng ruộng, củi và than, làm sạch nhiệt điện và khí thải tự động. Kế hoạch này nhằm mục đích đẩy mạnh việc cắt giảm khí thải công nghiệp và khí thải từ phương tiện giao thông, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt về nhiên liệu giao thông và đốt sinh khối và giảm ô nhiễm bụi.
Bụi mịn là các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm, có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Theo WHO, tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul (SNU) cho thấy bụi siêu mịn là nguyên nhân gây ra bệnh teo cơ xơ cứng (ALS), gây ra các triệu chứng tê liệt, tức ngực và khó thở. Lượng bụi siêu mịn cao trong không khí cũng được coi là tác nhân gây ung thư cấp độ 1... |
AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với năm chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3. Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức: - Mức tốt (0- 50): không ảnh hưởng đến sức khỏe. - Mức trung bình (51-100): khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài. - Mức kém (101-150): nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. - Mức xấu (151-200): nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài. - Mức rất xấu (201-300): Mọi người đều có thể bị ảnh hưởng, hạn chế ở ngoài. - Mức nguy hại (trên 300): khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà. |
Số ca tử vong do ô nhiễm không khí tăng gấp đôi Theo một nghiên cứu mới đây đăng tải trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cho thấy ô nhiễm không khí ở Châu Âu và ... |
Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ: Hít phải không khí ô nhiễm có thể làm giảm trí thông minh Ô nhiễm không khí được công nhận rộng rãi là nguyên nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe, nhưng một nghiên cứu gần ... |