Không để trẻ em mắc và tử vong vì bệnh lao
Trẻ nhỏ và những trường hợp bị suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất. Cho đến nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine.
Ảnh minh họa |
Khó phát hiện bệnh lao ở trẻ em
Người bị bệnh lao là do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp. Khi người mắc bệnh lao ho, hắt hơi làm bắn những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi khuẩn lao vào không khí, người xung quanh hít phải sẽ bị mắc lao.
Trẻ bị lao thường lây từ người thân (trong các gia đình nghèo với điều kiện sống kém, trẻ em bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch) chiếm đến 70%, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây trong môi trường trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ từ nhiễm trở thành bị bệnh là 10% trong 10 năm. Nguy cơ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.
Chia sẻ trên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Thêm nữa, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao, đặc biệt là lao sơ nhiễm – mới nhiễm rất ít nên khó phát hiện.
Lao phổi là thể lao hay gặp nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, chẩn đoán lao phổi cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn do việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khó khăn và thường yêu cầu bệnh nhi phải nhập viện để thực hiện một số thủ thuật khác, từ đó dẫn đến việc chẩn đoán bệnh lao cho trẻ thường chậm trễ. Để lấy được bệnh phẩm dạ dày đạt yêu cầu, trẻ phải nhịn ăn thường từ sau 12 giờ đêm. Điều này rất khó khăn với những trẻ nhỏ vẫn còn có bữa ăn đêm (trẻ nhỏ bú mẹ). Khi bị đói, trẻ thường quấy khóc khiến việc lấy mẫu bệnh phẩm gặp khó khăn, hạn chế.
Dự phòng, phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ
Theo các chuyên gia y tế trẻ em có thể mắc các thể lao như người lớn, nhưng thường gặp hơn cả là: Lao sơ nhiễm (lao khởi đầu); lao cấp tính (lao màng não, lao kê); lao hô hấp sau sơ nhiễm (lao phổi, lao màng phổi); lao ngoài phổi (lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng, màng tim, lao niệu - sinh dục, lao ruột...). Mỗi thể lao có biểu hiện khác nhau, xảy ra ở các độ tuổi khác nhau, mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cơ địa của trẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết, việc chẩn đoán và phát hiện sớm lao trẻ em để điều trị còn rất khiêm tốn, chưa đến 10% trong số lao trẻ em ước tính. Nếu trẻ em nhiễm lao không được phát hiện sớm và quản lý điều trị thì sẽ thành người mắc bệnh lao khi đến tuổi trưởng thành và trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Để phòng ngừa bệnh lao, trẻ em cần được tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên vaccine chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng cho trẻ sống chung với HIV. Vì vậy, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch cần được tầm soát và điểu trị dự phòng lao khi tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng bị bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt kéo dài hơn 10 ngày, gầy sút cân, chán ăn, ra mồ hôi trộm ban đêm, quấy khóc không thay đổi thì gia đình cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị đúng theo công thức của Chương trình chống lao Quốc gia.
Phát hiện sớm lao ở trẻ em rất quan trọng. Nếu trẻ đang ở giai đoạn lao sơ nhiễm hay lao tiềm ẩn việc phát hiện, điều trị sớm giúp trẻ được chữa khỏi hoàn toàn, giảm tỷ lệ từ nhiễm sang mắc hoặc tránh được biến chứng như lao kê, lao màng phổi, xương khớp… Nếu phát hiện muộn, lao sẽ để lại di chứng nặng nề như: Liệt hay tâm thần, khiếm thính, khiếm thị, gù vẹo cột sống…, thậm chí dẫn đến tử vong.