Không cản nổi Nord Stream-2, Mỹ quay sang "vỗ về" Ba Lan
Ngày 19/6, hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau vào tối qua.
Theo ông Price, trong cuộc điện với người đồng cấp Ba Lan, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Mỹ-Ba Lan với khối liên minh quân sự NATO và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương trong giải quyết những thách thức khu vực và quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Nguồn: Internet |
Ngoài ra, “Ngoại trưởng Mỹ cũng bàn về hợp tác với Ba Lan để giải quyết mối đe doạ mà dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đặt ra với an ninh năng lượng Châu Âu”, thông báo nêu rõ.
Đường ống dẫn khí Yamal - Europe quá cảnh khí đốt Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ba Lan mà nước này không thể đòi thêm phí vận chuyển.
Washington công khai phản đối việc xây dựng Nord Stream-2 và đang tích cực nỗ lực ngừng dự án để chủ yếu giáng đòn vào lợi ích của Moscow và hỗ trợ Ukraine.
Cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Mỹ lần này diễn ra sau khi Mỹ có hành động "nới tay" cho dự án Nord Stream-2 và vừa có cuộc gặp cấp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sĩ hôm 16/6.
Với cuộc điện đàm mới nhất, Ngoại trưởng Blinken đã tỏ rõ muốn gửi đi thông điệp tới Ba Lan và các nước Đông Âu rằng người Mỹ không hề bỏ rơi họ để bảo vệ lợi ích của riêng nước Mỹ.
Được biết, một trong số quốc gia Đông Âu phản ứng dự án này dữ dội nhất là Ba Lan. Ba Lan cũng được hưởng lợi ích từ việc quá cảnh khí đốt Nga qua Belarus và sang châu Âu. Đồng thời, Ba Lan từng tham vọng trở thành một mắt xích trong việc cung ứng khí đốt sang các nước châu Âu thông qua đường ống Baltic Pipeline - được ví là đối thủ của Nord Stream-2. Warsaw mong muốn trở thành một quốc gia quá cảnh khí đốt từ Na Uy nhằm giảm bớt các hậu quả chính trị nếu không sử dụng khí đốt của Nga nữa.
Bên cạnh đó, Ba Lan cũng nuôi tham vọng trở thành một bến cảng tiếp nhận và truyền khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trung tâm ở châu Âu. Nhà cung cấp chính cho tham vọng của Ba Lan có thể là Mỹ.
Thế nhưng Nord Stream-2, với sự "cho phép" của Mỹ, đã làm các tham vọng của Ba Lan tan biến. Warsaw với hy vọng Mỹ là tiền đồn cuối cùng ngăn chặn dự án chung Nga- Đức cuối cùng đã thất bại.
Như vậy, cũng giống như Ukraine, Ba Lan sẽ mất đi một phần chi phí mà họ có được từ việc quá cảnh năng lượng của Nga.