Không ai chịu ai, thỏa thuận Mỹ - Triều lâm vào bế tắc
Gần 3 tháng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay, đồng ý theo đuổi phi hạt nhân hóa và thiết lập lại trong quan hệ, cả 2 bên đã lâm vào một sự bế tắc về việc bên nào nên nhượng bộ tiếp theo.
Bế tắc này đe dọa sẽ làm gián đoạn sự hòa dịu trong quan hệ với Bình Nhưỡng, khi sau nhiều tuần đàm phán nhưng cho đến nay chưa có thỏa thuận rõ ràng về các bước giải trừ vũ khí hoặc ký kết hiệp ước hòa bình.
Ông Trump bày tỏ sự thất vọng với tiến trình hòa bình bế tắc trong một loạt các bài viết trên Twitter cá nhân vào tuần trước, liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc và tăng khả năng tiếp tục các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bình Nhưỡng nói rằng Washington cần phải đáp lại cử chỉ thiện chí của Triều Tiên, trong đó có việc tháo dỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất và trao trả hài cốt của quân nhân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ đã nhiều lần khẳng định rằng "quả bóng nằm trong chân của Triều Tiên" để thực hiện các bước cụ thể hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trong khi ông Trump đã ca ngợi những gì ông mô tả như một mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ với ông Kim, các cuộc đàm phán bị đình trệ đang phơi bày những thiếu sót của thỏa thuận ngày 12/6 tại Singapore.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo đã ký chỉ có vỏn vẹn chưa đến 500 từ và không cung cấp dòng thời gian hoặc các bước cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu Triều Tiên có chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ảnh: WSJ.
Quyết định hủy chuyến thăm đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng và nhấn mạnh các nghi ngại về việc liệu ông Kim có đồng ý chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Lần gần nhất Bình Nhưỡng thử nghiệm một thiết bị hạt nhân là vào ngày 3/9/2017, cách đây đúng một năm.
Nikki Haley, Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, tuần trước đã ám chỉ rằng, Triều Tiên "có thể thay đổi ý định của về phi hạt nhân hóa" và Mỹ sẽ tuân theo chính sách trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng.
-
Mỹ - Triều Tiên hòa giải: Đừng quá bi quan nhưng không loại trừ kịch bản xấu!
Một số hình ảnh vệ tinh chụp vào mùa hè cho thấy Triều Tiên có thể đang có các bước phát triển vũ khí. Hai tòa nhà mới được xây dựng gần đây tại một cơ sở tên lửa ở vùng ngoại ô Bình Nhưỡng dường như đang tiếp tục sản xuất.
Triều Tiên cũng mở rộng một cơ sở ở Hamhung, nơi sản xuất thành phần chính của tên lửa nhiên liệu rắn, và nâng cấp trung tâm nghiên cứu hạt nhân tại Yongbyon.
Có những dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng vẫn ở mức cao. Cuối tuần trước, Washington đã gia hạn lệnh cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên, vì "nguy cơ bị bắt và giam giữ dài hạn".
Triều Tiên muốn một tuyên bố từ Mỹ để ký kết hiệp ước hòa bình, kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tín hiệu mà Bình Nhưỡng xem là sự kết thúc "chính sách thù địch" mà Washington dành cho Triều Tiên.
Nhưng nhiều thành viên của cơ quan chính sách đối ngoại của Washington cho rằng Bình Nhưỡng đang háo hức cho một hiệp ước hòa bình mà không phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Trừ phi hai bên thống nhất được hành động, nếu không thì Triều Tiên có lẽ sẽ chỉ duy trì bầu không khí để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, Jina Kim, nhà nghiên cứu tại Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul cho biết.
Minh Khôi