Khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Tranh TL (minh họa)
Nhưng cũng thật dễ dàng nghe thấy ở cơ sở tiếng than thở của người dân về chính sách chậm đi vào thực tiễn, thậm chí có trường hợp còn bị bóp méo, làm biến dạng.
Một nửa văn bản luật đã được ban hành vẫn không thể thực thi vì tình trạng các bộ ngành chưa hướng dẫn thực hiện. Nói theo cách của các nhà nghiên cứu, chỉ cần khung chính sách đã được luật hóa đó thực thi, Việt Nam đã có một “dư địa” phát triển to lớn.
Hay mới đây Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua. Đây là một đạo luật chứa đựng nhiều quan điểm tiến bộ của một thể chế hiện đại. Quan trọng nhất là luật này trao lại cho người dân tư cách người chủ thật sự của một tài nguyên khổng lồ - tài nguyên thông tin lâu nay vốn được các cơ quan nhà nước độc quyền khai thác hoặc ban phát theo kiểu xin - cho.
Nhưng không cần chờ đến 2018, năm đạo luật này có hiệu lực. Trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có 51 văn bản luật và pháp lệnh quy định trách nhiệm công khai thông tin của Nhà nước.
Nếu thực hiện đầy đủ trách nhiệm đó, theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - chuyên gia về quản trị quốc gia, đã tạo ra một sự tiến bộ ghê gớm lắm rồi.
Trong phiên bế mạc Quốc hội khóa 13, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chính thức cho biết mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã không thể đạt được.
Theo các chuyên gia thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Thế giới chủ trì, “tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người ở mức 7%/năm sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21”.
Nhưng các chuyên gia này cũng nhìn nhận “mục tiêu này là hết sức tham vọng, vì vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và với mức tăng trưởng ấy, chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được”.
Nhưng dù dời đến một thời điểm nào đó sau năm 2020 thì mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, hiện đại không thể thoái thác.
Các chính sách vì vậy có thể sẽ được tiếp tục xây dựng, điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với các yêu cầu phát triển mới.
Nhưng càng có nhiều chính sách thì khoảng cách giữa chính sách và việc thực thi cũng chính là khoảng cách đo lường năng lực điều hành đối với các nhà lãnh đạo.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội thời gian gần đây quan tâm nhiều đến những nhà lãnh đạo địa phương, các vị bộ trưởng, trưởng ngành xông xáo lao vào thực tiễn mà hành động, tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm giải pháp.
Người dân muốn tìm kiếm và khẳng định những hình mẫu nhà lãnh đạo nói đi đôi với làm, tạo ra những chuyển biến tích cực trong thực tiễn.
Theo Tứ Dân - Tuổi Trẻ