Khoa học, công nghệ cao phát huy hiệu quả trong thích ứng biến đổi khí hậu
4 năm qua, mô hình trồng dưa lưới của người dân xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh sản xuất theo quy trình công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng tổ trồng màu công nghệ cao ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa cho biết việc ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp tuy vốn đầu tư cao so với sản xuất truyền thống, nhưng quy trình sản xuất kiểm soát chặt chẽ hơn, phát triển các nguồn năng lượng mới và các phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn cho người sử dụng.
Trồng dưa lưới trong nhà màng chỉ tốn công chăm sóc như cột dây cho dưa lưới leo giàn, cắt lá, tỉa cành và thu hoạch còn khâu tưới phun ông đã lắp đặt hệ thống đồng hồ tự động hẹn giờ nên không còn canh thời gian tưới như trước đây. Theo ông Rây, vụ dưa năm nay, với 0,3ha năng suất đạt gần 30 tấn/ha, giá bán từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, lợi nhuận 300 – 450 triệu đồng/vụ/ha. Hiện nay ông đã xuống giống vụ mới và đang phát triển tốt.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng tổ trồng màu công nghệ cao ấp Hòa Lạc A hướng dẫn lao động Hà Thị Loan tỉa lá, cành dưa lưới. Ảnh: baotravinh |
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A, mô hình ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới trên địa bàn hiện nay đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm dưa lưới của xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa lên sàn thương mại điện tử.
Xã tiếp tục vận động những hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình này và lựa chọn những giống cây trồng phù hợp trồng trong nhà lưới, nhà màng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo số lượng hàng hóa lớn cung ứng thị trường, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Xã Lương Hòa A đã liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (tỉnh Bến Tre) khảo sát đánh giá tiêu chuẩn dừa hữu cơ khoảng 150ha nhằm liên kết vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm dừa của nông dân trong xã. Đây là bước ngoặt mới cho ngành hàng dừa của địa phương nói chung và nhà vườn nói riêng.
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần sản xuất xanh, bền vững cũng là giải pháp nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trồng chè sạch tại HTX Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: nhandan.vn |
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng.
Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cho biết thành phố đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), vùng lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), mô hình trồng hoa lan thương phẩm từ các giống hoa lan Cattleya, Dendrobium Vanda và Mokara nuôi cấy mô trong hệ thống nhà lưới, trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao tại quận Ninh Kiều, sản xuất cam Xoàn và nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGap.
Các mô hình này góp phần nâng cao nhận thức sản xuất sản phẩm an toàn cho nông dân, thực hiện liên kết sản xuất, tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai từ năm 2016, Cần Thơ đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các mô hình sản xuất lúa đã được cơ giới hóa, từ khâu gieo cấy đến chăm sóc, thu hoạch, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Kết quả tại nhiều mô hình sản xuất cho thấy, gieo sạ lúa bằng máy đạt được lợi nhuận cao hơn gieo sạ tay từ khoảng 3,7 triệu đồng – trên 16 triệu đồng/ha.
Tại Bến Tre, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã xác định cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng, gắn sản xuất với tiêu thụ, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, nông nghiệp dần giữ thế chủ động trước biến đổi khí hậu.
Các HTX nông nghiệp dần thay đổi tư duy sản xuất cũ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học công nghệ. Họ không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhằm tạo ra những sản phẩm quanh năm có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Bến Tre đã phát triển rất tốt mô hình lúa-tôm, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Theo Phó Giám đốc HTX tôm Thạnh Phú Hồ Văn Cương: Hiện HTX có 111 xã viên với 60ha sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống đặc sản như: Ðài Thơm 8, OM 4900, OM 6162… HTX ký bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nên đầu ra rất ổn định. Thời gian tới, HTX sẽ cung cấp tôm giống, thức ăn, lúa giống với giá thấp và thu mua với giá cao để xã viên, người nông dân có lãi.
Nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp được xác định là khâu đột phá của toàn ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài nhận được sự hỗ trợ về chính sách, vốn đầu tư, các HTX nông nghiệp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chuyển từ truyền thống sang sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để làm chủ quy trình sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. |
Nhiều sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu của thanh niên Việt Nam Nhiều sáng kiến của các bạn trẻ, trong độ tuổi từ 15-35, về hạn chế phát thải, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đã được giới thiệu tại cuộc thi “Biến đổi khí hậu: Sáng kiến hôm nay, môi trường ngày mai”. |
Hiệu quả từ mô hình thâm canh sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu Thâm canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu đã giúp người nông dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Tiền Giang, Đắk Lắk... ứng phó hiệu quả hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô hàng năm. |