Hiệu quả từ mô hình thâm canh sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu
Mùa khô năm 2019 – 2020, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt đã làm thiệt hại gần 4.500 ha sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, trong đó có đến trên 3.500 ha gần như chết trắng. Đây là mức thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay cho sản xuất nông nghiệp do thiên tai tại địa phương mà nguyên nhân bởi thiếu nước ngọt tưới cho cây sầu riêng.
Tiền Giang đã tìm giải pháp khôi phục vườn sầu riêng sau hạn, mặn, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời nghiên cứu ứng các biện pháp thâm canh sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững.
Tỉnh đã tuyên truyền, vận động nông dân chủ động trữ nước ngọt tưới cho cây trong ao mương vườn, đầu tư dụng cụ trữ nước ngọt; bảo vệ và chăm sóc cây sầu riêng trước, trong và sau mùa khô theo khuyến cáo của các nhà khoa học giúp cây đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai hạn, mặn gay gắt; khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xử lý ra hoa, để trái đối với những vườn cây có dấu hiệu suy kiệt.
Đối với những vườn sầu riêng trồng mới chú ý thiết kế đúng kỹ thuật, mật độ vừa phải và cần thiết phải có ao đủ rộng để trữ ngọt tưới tiêu vào mùa khô; ứng dụng khoa học – công nghệ cao, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và thâm canh theo hướng GAP cho ra những nông sản hàng hóa an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng chất lượng sản phẩm…
Công tác kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ và các công trình phòng, chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai cũng được tỉnh quan tâm triển khai, không để rò rỉ mặn vào nội đồng gây hại trong mùa khô hạn hàng năm. Ngoài ra, để phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình kết hợp với phi công trình. Chú trọng đầu tư xây dựng các cống điều tiết nước, kiểm soát mặn tại đầu các kênh rạch; xây dựng các công trình trữ ngọt đầu nguồn đảm bảo nguồn nước tưới đưa về phục vụ vùng chuyên canh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam cùng các Viện, Trường nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật thâm canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho nông dân, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác sầu riêng hiệu quả, ứng dụng khoa học – công nghệ cao một cách rộng rãi để bà con cùng nghiên cứu, học tập, áp dụng.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nên các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ, dưới 30% trong mùa khô 2019-2020 đã phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng từ 30% đến dưới 70% bộ lá phát triển tốt, cây phục hồi đạt trên 80%. Đối với diện tích sầu riêng đã chết thì đến thời điểm hiện nay, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000 ha. Mùa khô 2020 – 2021, các vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang không có thiệt hại đáng kể dù hạn, mặn gay gắt.
Tại huyện Krông Năng, Đắk Lắk, trong năm 2022 cũng đã triển khai 3 mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với quy mô 3 ha, tại xã Ea Hồ (1 ha), xã Phú Xuân (1 ha) và thị trấn Krông Năng (1 ha).
Theo chuyên gia về nông nghiệp, trong canh tác sầu riêng truyền thống, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kiến thức truyền miệng và thiếu kiến thức về quản lý cây trồng hiệu quả. Đặc biệt, người nông dân thường không có sự chuẩn bị để ứng phó với thiên tai nên thường phải chịu thiệt hại nặng nề khi thiên tai xảy ra. Việc xây dựng mô hình mới nhằm tổ chức lại quy trình sản xuất sầu riêng cho người nông dân.
Khi thực hiện canh tác với mô hình mới, người dân sẽ nắm được các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc phù hợp với điều kiện thời tiết; sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiệu quả hơn; áp dụng các quy trình chăm sóc cây cụ thể để phòng tránh được những thiệt hại do thiên tai gây ra và đạt năng suất tốt nhất.
Những nông dân được chọn tham gia mô hình cũng phải có kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây sầu riêng, biết tiếp thu để loại bỏ những phương pháp canh tác truyền thống không hiệu quả.
Sau một năm thực hiện, mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường đạt kết quả rất khả quan. Bên cạnh giảm thiểu đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra, mô hình vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu tăng năng suất cây trồng khi tổng sản lượng cả ba mô hình đạt 23 tấn quả. Mô hình cũng nhận được sự hưởng ứng từ bà con nông dân bởi hiệu quả trong việc giảm rủi ro, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, cải thiện chất lượng cho quả sầu riêng và mang lại lợi nhuận cao…