Việt Nam ứng dụng công nghệ thoát hạn của Israel
Cơ sở sản xuất rau thủy canh Green Farm 188 Mạo Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những mô hình tiên phong tại Quảng Ninh sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel.
Với kỹ thuật tưới này, đơn vị sử dụng những ống tưới dài, phân bổ nước đến từng gốc cây, cho phép cung cấp một lượng nước nhỏ, thích hợp với nhu cầu của từng loại cây một cách chậm và đều đặn, qua đó giúp cây phát triển tốt. Hiện nay Green Farm 188 Mạo Khê còn sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo nhiệt độ của lá cây, từ đó biết được lượng nước mà lá cây “làm mất” và xác định được lượng nước mà cây cần hấp thụ một cách đều đặn để duy trì sự phát triển.
Mô hình rau thủy canh của Green Farm 188 Mạo Khê phát triển tốt nhờ công nghệ tưới nước nhỏ giọt (Ảnh: Báo Quảng Ninh). |
Không chỉ Green Farm 188 Mạo Khê, nhiều mô hình trồng trọt khác trong tỉnh Quảng Ninh cũng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm chi phí vận hành và nhân vụ sản xuất, nhất là những vị trí canh tác có điều kiện khô cằn, thiếu nguồn nước thuỷ lợi.
Tháng 10/2020, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế – Bộ Ngoại giao Israel (MASHAV) đã tài trợ cho Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là: cây trồng trong nhà màng được bảo vệ giảm thiểu sự tác động yếu tố môi trường bất lợi và sâu bệnh hại, tạo môi trường thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển. Hệ thống tích hợp công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin để quản lý và điều khiển ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng, nước… thông qua phần mềm chuyên dụng kết nối mạng dễ dàng cài đặt, điều chỉnh, vận hành và có thể điều khiển từ xa. Áp dụng trồng cây trong bầu giá thể, dinh dưỡng bằng dung dịch, cung cấp nước và châm phân tự động qua hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm, chính xác, an toàn và hiệu quả cao…
Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên khai trương hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel hồi tháng 10/2020 (Ảnh: thainguyen.gov.vn). |
TS Trần Đình Hà, Trưởng Bộ môn Nông nghiệp Công nghệ cao (Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên) cho biết: Sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng, hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đã được quản lý sử dụng hiệu quả. Hệ thống được phát triển phục vụ tưới cho cây trồng ăn quả, đặc biệt cho khu nhà màng sản xuất cây trồng công nghệ cao với diện tích gần 1.000 m2. Nhà màng thường xuyên sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa lê, dưa chuột, cà chua, rau ăn quả khác… tạo nên sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa thích. Hàng năm mô hình phục vụ đào tạo cho hàng trăm sinh viên, nhiều nhóm sinh viên và giảng viên nghiên cứu khoa học và nâng cao tay nghề; thu hút sự quan tâm, học tập và trải nghiệm nhiều đoàn cán bộ, học sinh phổ thông và người dân sản xuất.
Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, MASHAV tài trợ. Hệ thống lọc tuần hoàn của nhà sản xuất Atlatium (Israel) dựa trên nguyên tắc tái sử dụng nước bẩn trong bể nước. Nước từ bể đi qua hệ thống lọc sinh học, sau đó được xử lí bằng tia UV để diệt vi khuẩn, vi rút và sau cùng được chảy trở lại bể.
Nhà trường sử dụng món quà của Israel để thực hiện các đề tài, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên. Việc tự mua sắm rất tốn kém nên việc Đại sứ quán tài trợ hệ thống này giúp các sinh viên nông nghiệp của trường cũng như các đơn vị, cá nhân làm việc, nghiên cứu trong ngành nông nghiệp của địa phương có cơ hội thực hành mẫu công nghệ lọc.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, trong vài thập kỷ tới thế giới phải tăng 70% sản lượng nông nghiệp để nuôi sống dân số đang ngày càng lớn. Trong bối cảnh phải vật lộn với các đe dọa về an ninh lương thực, khan hiếm nước do biến đổi khí hậu, kinh nghiệm của Israel về nông nghiệp là bài học kinh nghiệm để các nước, trong đó có Việt Nam, tham khảo và áp dụng.
Israel là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới, mặc dù hơn 60% diện tích nước này là sa mạc và chỉ khoảng 20% là diện tích mặt nước. Không chỉ cung cấp đầy đủ cây trái và rau củ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Israel còn chia sẻ nguồn nước cho các quốc gia láng giềng, chuyển giao công nghệ nước cho khoảng 150 quốc gia và đào tạo các chuyên gia về nước cho hơn 100 quốc gia trên thế giới. |